Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2016

ĐỌC THƠ CŨNG LẮM CÔNG PHU


                                         ĐỌC THƠ CŨNG LẮM CÔNG PHU

Với tôi, đây là một “bí kíp võ công” về bình thơ do tôi tự soạn mấy năm trước với sự góp ý của vài người bạn có kiến thức và kinh nghiệm về hai lãnh vực “Sáng Tác” và “Phê Bình”. Tôi dựa vào đấy, coi như là những gợi ý, hướng dẫn,  để Đọc Thơ và - nếu có hứng - viết những bài Bình Thơ của mình. Nhân tiện có cuộc tranh luận thơ của 2 anh Lại Quảng Nam và Phú Đoàn tôi gởi đến coi như là một đóng góp nhỏ vào cuộc chơi lý thú. Và rồi tôi nghĩ “Sao lại không chia sẻ với độc giả yêu thơ?” Có thể họ sẽ tìm thấy ở đấy những thông tin hữu ích. Biết đâu đấy!

            ĐỌC THƠ CŨNG LẮM CÔNG PHU

!/ Hiểu nghĩa của những chữ, từ trong câu thơ, hiểu câu thơ.

2/ Thấy, hiểu được cái hay của từ, chữ trong câu thơ.

3/ Hiểu được cái hay kỹ thuật của câu thơ - về mặt diễn tả ý.

4/ Cảm được cái hay của câu thơ - về tình. (Cảm Xúc Tầng 1)

5/ Bắt được tứ thơ - hiểu được nghĩa đen của cả bài thơ.

6/ Bắt được ẩn ý (nghĩa bóng) của tác giả (nếu có Show, Not Tell hoặc Ẩn dụ toàn bài)

7/ Thấy được cái hay, dở của thế trận chữ nghĩa - đấu pháp toàn đội

8/ Cảm được tứ thơ – thấy, thông cảm, đồng cảm với tâm tình của tác giả gởi gắm trong bài thơ. (Cảm Xúc Tầng 2)

9/ Thấy được dòng chảy (hoặc không có dòng chảy) của tứ thơ.

10/ Cảm được hơi nóng cảm xúc của thơ tỏa ra – không phải từ con chữ mà từ bên ngoài. (Tây phương gọi là giữa 2 hàng kẻ - between the lines). Đây là khởi đầu của hồn thơ.

11/ Cảm được sự lớn mạnh của hồn thơ dựa vào tốc độ và cường độ dòng chảy của tứ thơ. (Cảm Xúc Tầng 3)

12/ Tổng Hợp để định Giá Trị Nghệ Thuật của bài thơ. Chính ở chỗ này mức độ khen chê của người đọc khác nhau tùy chỗ họ coi trọng.

      a/ Coi trọng kỹ thuật cá nhân - chữ, từ, câu thơ hay

      b/ Coi trọng đấu pháp toàn đội - thế trận chữ nghĩa của bài thơ.

      c/ Coi trọng hồn thơ

Phạm Đức Nhì

nhidpham@gmail.com

 Phần Viết Thêm
Bạn đọc thơ để thưởng thức thì như thế cũng tạm đủ. Nhưng nếu bạn muốn là người thưởng thức thơ sành điệu hoặc người  bình thơ - muốn thấy được, cảm được đến sâu sắc, ngọn ngành cái hay, dở của bài thơ - thì cần xét đến những tiêu chí bình thơ khác:

     1/ Mức độ độc đáo của tứ thơ - mở đường, đại diện một giai đoạn lịch sử
     2/ Mức độ tự do phóng bút của thi sĩ (Số chữ trong câu, số câu trong bài) – thi sĩ càng tự do bài thơ càng được đánh giá cao.

     3/ Vần (Rất Quan Trọng): không nhàm chán nhưng tứ thơ phải trơn tuột, chảy thành dòng, tốc độ và cường độ càng cao bài thơ càng có hồn. Nếu thơ “táo bón” lý trí sẽ chen vào gây khó khăn cho việc Cảm Nhận của người đọc.

     4/ Tựa Đề và Kết Thúc:

           a/ Tựa Đề: chỉ ra cái cốt tủy của toàn bài nhưng không làm lộ mạch thơ.

           b/ Kết Thúc: lưu lại ấn tượng – tránh chảy ngược dòng với tứ thơ

 

Thứ Hai, 25 tháng 7, 2016

NHÌN TỪ XA ... TỔ QUỐC - NỖI ĐAU QUẶN THẮT CỦA MỘT NGƯỜI VIỆT YÊU NƯỚC


Lời Nói Đầu

 

Nhìn Từ Xa … Tổ Quốc - nằm trong danh sách khá dài những bài thơ “phản kháng” - tự nó đã nặng mùi chính trị. Lưu chuyển nó - nếu gặp người khắt khe - cũng có thể bị coi là có ý đồ không tốt. Nhưng chẳng lẽ bình thơ mà gặp bài thơ nội dung súc tích như thế, kỹ thuật thơ hay như thế lại đang tâm ngoảnh mặt làm ngơ? Thế là tôi quyết định viết Lời Bình cho bài thơ.

 

Tôi không muốn biến bài bình thơ của mình thành một phương tiện tuyên truyền. Đối với những độc giả hiểu biết thì làm như thế là thừa, phí công vô ích. Đối với người khác thì họ đâu có thèm để mắt tới những bài viết khô khan, khó đọc như thế này.

 

Vì thế tôi chỉ chú trọng đến khía cạnh văn chương: kỹ thuật thơ, tứ thơ, hơi thơ, hồn thơ …

 

Nhưng khi giải thích một câu thơ - đặc biệt trong bài thơ này – nó sẽ ít nhiều đụng đến lập trường, quan điểm. Nói thì chưa chắc người đọc sẽ tin, nhưng tôi đã đứng ngay thẳng, nghiêm chỉnh để viết lời bình cho NTXTQ.

 

Dĩ nhiên bình thơ - ngoại trừ những bài thơ toàn bích rất hiếm gặp - phải có khen, có chê. Đụng đến khen chê thì có người đồng ý, có người không. Tôi sẵn sàng đón nhận mọi ý kiến của các bậc trương thượng, của các bạn văn, bạn thơ, của những người yêu văn chương, và của mọi độc giả. Khen chê gì xin quý vị cứ gởi đến. Tôi sẽ trả lời tất cả, không trừ một ai. Nếu ý kiến hay, sẽ được tuyển lựa để đưa vào bài viết tổng hợp: Ba Bài Thơ Phản Kháng - Lời Bình – So Sánh và Tranh Luận.

 

Ba bài thơ đó là: Nhìn Từ Xa … Tổ Quốc của Nguyễn Duy, Tạ Lỗi Trường Sơn của Đỗ Trung Quân và Bánh Vẽ của Chế Lan Viên

 

Xin cám ơn bất cứ ai đọc bài viết này.

 

Phạm Đức Nhì

 

nhidpham@gmail.com

 

 

Nghe Mang Máng Về Bài Thơ

 

Hạ tuần tháng 8 năm 1988 tôi đang nằm ở khu C1 của Trại Giam Số 4 Phan Đăng Lưu chờ ra tòa (1) thì có một tù nhân mới nhập phòng. Ông đã đứng tuổi (trên 50) là một cán bộ của Sở Văn Hóa TT TP HCM. Nội vụ còn trong vòng điều tra nên ông chỉ cho biết ông bị nghi ngờ một tội mà ông không liên can.

 

Sau khi đã quen nước quen cái ông kể cho bạn đồng tù nghe về một bài thơ lúc đó ở bên ngoài đang làm xôn xao dư luận cả nước; “nội dung thì đụng đến những yếu huyệt của Chế Độ, còn kỹ thuật thơ thì ‘hết sẩy’, đọc là khoái liền.” Rồi ông ta nói thêm: “Tác giả còn trẻ lắm. Sinh năm 48, 49 gì đó. Chưa đến 40 tuổi đầu.”

 

 Thế rồi do chính sách cởi mở của Nguyễn Văn Linh chúng tôi được miễn tố và trả tự do. Chật vật với cuộc sống ở trong nam rồi lại ra bắc vượt biên 2 lần thất bại, cuối cùng tháng 6/1991 chuyến đi của tôi đến bến Hồng Kông, tháng 7/93 qua được Mỹ.

 

Làm công việc đi biển bắt cua nặng nhọc được mấy năm thì bị đụng xe gẫy chân, tôi xin tiền chính phủ vào học đại học và dạy tiếng Việt cho trẻ em vào ngày Chủ Nhật kiếm thêm chút ít phụ giúp cuộc sống của gia đình. Lúc ấy - nhờ có cái computer - tôi mới được đọc Nhìn Từ Xa … Tổ Quốc đầy đủ trọn vẹn. Mãi đến những năm sau này, con cái lớn đi làm, sức ép tài chánh nhẹ hẳn đi, tôi mới mon men bước vào chăm sóc vườn thơ của mình và bắt đầu bình thơ của người khác. Và hôm nay – rà soát lại lưng vốn văn chương, thấy đã kha khá - mới “sờ” đến bài thơ “nặng ký” của Nguyễn Duy.

 

Tứ Thơ:

 

Bài thơ không có phép ẩn dụ toàn bài nên ý với tứ là một - từ xa nhìn về tổ quốc thấy quê hương dân tộc có quá nhiều vấn nạn (căn bệnh) quái ác mà không biết cách giải quyết (chữa trị) nên lòng đau quặn thắt.

 

Hình Thức:

 

Bài thơ vẫn còn vóc dáng của thơ mới nhưng tác giả đã biết phá luật, tháo bỏ xích xiềng để có thể tự do phóng bút.

 

1/ Viết hết ý thì thôi, không cần biết bài thơ có bao nhiêu câu.

 

2/ Số chữ trong câu tự do thoải mái.

 

3/ Vần liên tiếp kiểu Nhớ Rừng nhưng nhiều phá lệ khéo léo, hợp lý nên độ ngọt của thơ vừa phải, không có hội chứng “nhàm chán vần”.

 

Ngôn Ngữ Hình Tượng:

 

Rất xuất sắc, đầy ấn tượng, đặc biệt ở phần chính của bài thơ - những vấn nạn của quê hương dân tộc.

 

Bố Cục:

 

Bài thơ có thể chia làm 4 phần:

 

1/ Nhập đề: Hoàn cảnh ra đời của bài thơ

 

2/ Phần đầu của thân bài: Những chứng bệnh (vấn nạn) trầm trọng của quê hương, dân tộc.

 

3/ Phần sau của thân bài: Chẩn đoán (tìm nguyên nhân) và cách chữa trị

 

4/ Kết luận: Niềm tin ở tương lai dân tộc

 

Hoàn Cảnh Ra Đời Của Bài Thơ

 

Bài thơ được (bắt đầu) viết vào một đêm ở Moscow (Nga) nên tác giả thấy thấp thoáng cái bóng của mình dưới ngọn đèn và nẩy ra ý định trò chuyện với nó để bày tỏ tâm sự và dàn trải tứ thơ. Ông viết với tâm thế của “bên thắng cuộc” – là con cưng của chế độ (được du học ở Nga) - một lòng một dạ sắt son yêu quê hương đất nước:

 

“Dù ở đâu vẫn Tổ Quốc trong lòng

cột biên giới đóng từ thương đến nhớ”

 

 Những Căn Bệnh Quái Ác

 

Đây là phần chính của bài thơ - tác giả vạch ra những vấn nạn lớn của quê hương, dân tộc.

 

1/ Hát đồng ca

 

Có một thời ta mê hát đồng ca

chân thành và say đắm

“ta là ta mà ta cứ mê ta” (*)

 

tất cả trôi xuôi – cấm lội ngược dòng

thần tượng giả xèo xèo phi hành mỡ

ợ lên thum thủm cả tim gan

 

(*) Thơ Chế Lan Viên

 

Không phải chỉ ở ngành văn hóa văn nghệ mà hầu như ở mọi nơi, mọi mặt trong cuộc sống  người Việt Nam đều phải “hát đồng ca” đúng những chủ trương chính sách của Đảng – “chỉ được trôi xuôi, cấm lội ngược dòng.”

 

Thi sĩ kiêm bác sĩ Nguyễn Duy đã chẩn đoán, “bắt” được chứng bệnh đầu tiên của chế độ: Tự do ngôn luận bị bóp nghẹt, văn thi sĩ cứ cúi đầu nhắm mắt ngợi ca chế độ hết mình đến nỗi Chế Lan Viên cũng phải ngượng ngùng thốt lên: “Ta là ta mà ta cứ mê ta”. Cái gì của ta và phe ta (phe XHCN) cũng là nhất nên lại sinh ra biến chứng: nhiều thần tượng giả được phịa ra để làm gương, điển hình:

 

 Thần tượng giả xèo xèo phi hành mỡ

ợ lên thum thủm cả tim gan

 

2/ Xứ sở phì nhiêu sao thật lắm ăn mày?

 

Từ những bài học dạy con em ở trường, những câu nói cửa miệng của cán bộ đảng và nhà nước đến những khẩu hiệu biểu ngữ đỏ đường, đỏ thành phố trên khắp quê hương thường có đoạn: Đất nước ta giầu và đẹp. Trong bài hát Tình Đất Đỏ Miền Đông của Trần Long Ẩn có câu “Trong đấu tranh người Miền Đông anh dũng; trong lao động người lại cũng anh hùng (nghĩa là còn hơn cả cần cù chăm chỉ).

 

Thế nhưng “sao thật lắm ăn mày?” Theo tôi, cơ chế chính quyền và cơ cấu xã hội bất công - đặc biệt là chính sách Làm Chủ Tập Thể (cha chung không ai khóc) - đã làm nguội lạnh ý chí, nhiệt tình lao động của người dân; thà đi ăn mày còn hơn “còng làm cho thẳng lưng ăn”. 

 

3/ Thương binh liệt sĩ bị bỏ bê.

 

 Lãnh đạo chóp bu chỉ biết bằng mọi cách đẩy thanh niên ra chiến trường. Chính Chế Lan Viên đã tự thú:

 

Mậu Thân 2.000 người xuống đồng bằng

Chỉ một đêm, còn sống có 30

Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2.000 người đó?

Tôi!

 

(Ai? Tôi!, Chế Lan Viên)

 

http://www.thica.net/2008/03/15/ai-toi/

 

 Đến khi họ chết hoặc bị thương thì vì không dự trù ngân sách nên không có chích sách đãi ngộ, đành ngoảnh mặt làm ngơ, bỏ mặc họ với gia đình trong khốn quẫn.

 

Xứ sở nhân tình

sao thật lắm thương binh đi kiếm ăn đủ kiểu

nạng gỗ khua rỗ mặt đường làng

Mẹ liệt sĩ gọi con đội mồ lên đi kiện

ma cụt đầu phục kích nhà quan

 

Đoạn thơ đã quá rõ ràng, quá thật và quá mạnh, không cần giải thích gì thêm nữa.

 

4/ Tín ngưỡng bị chà đạp

 

Đức tin, tín ngưỡng của con người bị ngang nhiên xúc phạm, chà đạp. Tính vô thần của Chủ Nghĩa Cộng Sản lộ rõ mặt, không còn lấp liếm chối cãi được nữa.

 

Xứ sở linh thiêng

sao thật lắm đình chùa làm kho hợp tác

đánh quả tù mù trấn lột cả thần linh

Giấy rách mất lề

tượng Phật khóc Ðức Tin lưu lạc

Thiện – Ác nhập nhằng

Công Lý nổi lênh phênh

 

 Đoạn thơ thật hay về cả 3 mặt: ngôn ngữ, hình ảnh và âm điệu.

 

5/ Công việc giáo dục, đào tạo nhân tài cho tương lai bị bỏ bê, coi thường.

 

Xứ sở thông minh

sao thật lắm trẻ con thất học

lắm ngôi trường xơ xác đến tang thương

Tuổi thơ oằn vai mồ hôi nước mắt

tuổi thơ còng lưng xuống chiếc bơm xe đạp

tuổi thơ bay như lá ngã tư đường

Bịt mắt bắt dê đâu cũng đụng thần đồng

mở mắt… bóng nhân tài thất thểu

 

Tám câu thơ đã vẽ lên những bức tranh thê thảm của tuổi trẻ Việt Nam, hoàn toàn trái ngược với những thông tin “màu hồng” từ các phương tiện tuyên truyền của nhà nước. Với một thế hệ trẻ như vậy, tương lai đất nước thật vô cùng ảm đạm. Ở đây hình tượng thơ đã thừa sức thuyết phục, không cần biện giải dài dòng.

 

6/ Nhân phẩm con người rẻ mạt

 

Và con người - để sống còn - phải học dối gian, lừa đảo, trở thành những thứ điếm.

 

Xứ sở thật thà

sao thật lắm thứ điếm

điếm biệt thự – điếm chợ – điếm vườn…

Ðiếm cấp thấp bán trôn nuôi miệng

điếm cấp cao bán miệng nuôi trôn

Vật giá tăng

vì hạ giá linh hồn

 

 phải tự hủy hoại nhân phẩm và lắm lúc phải bán rẻ linh hồn. 

 

7/ Cơ chế chính quyền, cơ cấu xã hội thối nát

 

Để ứng phó với cơ chế bất công, xã hội thối nát con người phải khôn vặt, trở nên lười biếng, ma giáo và vô cảm.

 

 Xứ sở cần cù

sao thật lắm Lãn Ông

lắm mẹo lãn công

……………………

Tội lỗi dửng dưng

lạnh lùng gian ác vặt

 

buôn hàng lậu – buôn quan – buôn thánh thần – buôn tuốt…

quyền lực bày ra đấu giá trước công đường

 

Xã hội thối nát đến mức mua quan bán tước, “quyền lực bày ra đấu giá trước công đường” thì không còn gì để nói nữa, dân chỉ còn nước bó tay kêu trời.

 

8/ Nhiều chính sách tàn ác, phân biệt đối xử, gây chia rẽ

 

Xứ sở bao dung

sao thật lắm thần dân lìa xứ

lắm cuộc chia li toe toét cười

 

Mặc kệ cỏ hoang cánh đồng gái góa

chen nhau sang nước người làm thuê

Biển Thái Bình bồng bềnh thuyền định mệnh

nhắm mắt đưa chân không hẹn ngày về

 

 Sau 30/4/75 có những người đang ở trên tàu chuẩn bị ra khơi nhưng vì yêu đất nước và:

 

 thương cha mẹ già, đàn em dại

 

nên:

 

tôi bước lên bờ ở lại quê hương (2)

 

 Nhưng chính quyền của “xứ sở bao dung” đã đưa họ và hàng trăm ngàn quân nhân, viên chức của chế độ cũ (VNCH) vào các trại tập trung cải tạo.

 

 “Và bằng những lời dối trá

trái tim vô tình

tia nhìn thù hận

các anh cướp mất của tôi

những tháng năm đẹp nhất cuộc đời” (2)

 

 Không những chỉ bị đày đọa đến thân tàn ma dại mà còn biết bao người bỏ xác nơi rừng sâu nước độc. Thân nhân của họ ở ngoài thì bị phân chia thành phần, phân biệt đối xử, tước hết mọi phương tiện để mưu sinh nên đành liều mình - bất kể sông chết - vượt biên. Sau này nhiều người được đi theo diện đoàn tụ gia đình, hoặc xuất khẩu lao động – đi làm thuê ở nước ngoài. Nhìn “lắm cuộc chia li toe toét miệng cười” như thế thật đau lòng cho những ai yêu quý quê hương đất nước.

 

9/ Luật pháp như đùa, lãnh chúa và đủ loại vua xuất hiện

 

 Các quan chức địa phương thì không do dân bầu trực tiếp như các nước dân chủ mà từ tiền bạc và thế lực phe nhóm. Quan chức cao thấp các ngành không được tuyển chọn do khả năng chuyên môn mà đều có “giá cả” như một món hàng giữa chợ - chồng tiền là lãnh chức. Người mua chức sẽ trở thành lãnh chúa một vùng, thành vua trong ngành và tha hồ vơ vét để lấy lại vốn và sau đó kiếm lời.

 

Xứ sở kỷ cương

sao thật lắm thứ vua

vua mánh – vua lừa – vua chôm – vua chỉa

vua không ngai – vua choai choai – vua nhỏ…

Lãnh chúa sứ quân san sát vùng cát cứ

lúc nhúc cường hào đầu trâu mặt ngựa

Luật pháp như đùa như có như không có

một người đi chật cả con đường

 

Những thành phần lừa đảo, mánh mung chôm chỉa cũng trở thành những vua con trong lãnh vực mình hoạt động. “Luật pháp như đùa như có như không có” nghĩa là chỉ áp dụng với dân đen còn thì dung túng cho đám có quyền, có tiền tự tung, tự tác.

 

Những Vấn Nạn Của Quê Hương Dân Tộc là phần hay nhất, được nhắc đến và trích dẫn nhiều nhất của bài thơ. Ông bạn tù - cán bộ Sở Văn Hóa TT - cho rằng nội dung đã “đụng đến những yếu huyệt của chế độ” chắc là ông muốn nói đến phần này.

 

Nguyễn Duy tạo ra được những đoạn thơ tuyệt vời như thế, trước tiên, vì ông là người “nằm trong chăn” nên “biết chăn có rận”. Nhưng có phải mình ông biết đâu. Con số “biết chăn có rận” lên đến hàng vạn, hàng triệu người nhưng chỉ có ông lòng đau quặn thắt vì yêu nước thương dân, tài thơ trác tuyệt, đởm lược hơn người, lại gặp lúc cao hứng - cảm xúc sôi lên phủ mờ lý trí – không biết sợ, không suy tính thiệt hơn nên mới “tuôn ra” được những vần thơ chân thật, có hồn. Ông viết về những xấu xa tệ hại của XHCN và con người Việt Nam đúng và thật quá, ngôn ngữ hình tượng mạnh mẽ, sinh động và táo bạo quá.

 

Chính ông sau này cũng phải công nhận “khi viết xong thì chính bản thân tôi cũng bất ngờ bởi vì không nghĩ là mình viết được những câu thơ như vậy.”

 

Chẩn Đoán Bệnh Và Cách Chữa Trị

 

Muốn bắt đúng bệnh thì việc đầu tiên phải cho bác sĩ thấy, sờ, khám những bộ phận của cơ thể bị che dấu bởi nhiều lớp áo quần - phải “lột mặt nạ” để nhìn rõ chân tướng sự vật

 

Thì lột mặt đi lần lữa mãi mà chi

dù dối nữa cũng không lừa được nữa

khôn và ngu đều có tính mức độ

 

Và thi sĩ đã tìm ra mấy nguyên nhân đã gây ra và ủ bệnh từ nhiều năm:

 

miếng quá độ nuốt vội vàng sống sít

mất vệ sinh bội thực tự hào

Sự thật hôn mê – ngộ độc ca ngợi

 

1/ Áp đặt quá hấp tấp “bước quá độ” của CNXH vào hoàn cảnh đất nước Việt Nam trong khi cơ sở vật chất còn chưa đủ lớn, đủ vững.

 

2/ Tự hào vô lối, vô căn cứ đến độ “bội thực”, cả nước vỗ ngực ngợi ca mình, ngợi ca đảng, ngợi ca chế độ, ngợi ca nhau đến mức “ngộ độc ca ngợi”.

 

3/ Trên lừa dưới, dưới lừa trên, cả nước lừa nhau để được sống “an lành”. Cụm từ “sự thật hôn mê” được dùng rất chính xác, rất đắt.

 

Nhưng muốn chữa trị thì Nguyễn Duy bất lực:

 

“biết thế nhưng mà biết làm thế nào”

 

Bốc thang chửi bới thì sợ bị lợi dụng, van lạy để cầu xin đổi mới thì không biết:

 

“Đổi mới thật hay giả vờ đổi mới”                     

 

nên đành buông một câu hỏi bâng quơ mà chính mình không biết - và không ai có thể cho mình -  câu trả lời:

 

“Máu nhiễm trùng ta có thể thay chăng?”

 

Đối Thoại Với Cái Bóng - Và Hồn Thơ

 

Sau phần nhập đề - khoảng trên dưới 20 câu nhẹ nhàng từ tốn - nhịp thơ nhanh dần lên khi bước vào phần chính của tứ thơ. Cũng là người làm thơ, tôi có cảm giác Nguyễn Duy đang lên cơn điên – điên vì quá đau thương, điên vì quá giận dữ. Ông đã không đắn đo hơn thiệt, không biết sợ hãi, để mặc cho các con chữ tuôn ra. Cảm xúc từ mỗi chữ, mỗi câu tỏa ra nóng hổi. Ý này nối tiếp ý kia, vấn nạn sau nối tiếp vấn nạn trước, chảy xiết cứ như dòng sông vào mùa nước lũ.

 

Nhưng sao thật lạ! Ở những đoạn sau, cảm xúc từ mỗi câu thơ vẫn nóng như lửa, cơn điên của tác giả hình như vẫn chưa hạ, mà sao có một “cái gì đó”, một “lực nào đó” trì kéo lại, không cho tứ thơ chuyển động nhanh như trước. Tôi đọc lại phần chính của tứ thơ vài lần và hình như đã tìm ra nguyên nhân.

 

Số là Nguyễn Duy trong lúc xác lập khung cảnh (setting) của bài thơ đã có một sáng kiến. Để khỏi phải tự mình đơn độc kể lể giãi bày tâm sự như các thi sĩ khác ông “đè” cái bóng của chính mình ra để nói chuyện với nó. Làm thế có cái lợi trước mắt là giọng thơ bớt đơn điệu. Tôi đã nghe ông đọc bài thơ trên Youtube. Mỗi lúc quay qua nhấn giọng hỏi cái bóng: Ai? thì vài khán giả ngồi gần ông – cũng giống ông - mắt lại sáng lên khoái chí; không khí bài thơ tươi, vui hơn.

 

Tuy nhiên, để có được cái không khí có vẻ tươi vui ấy bài thơ đã phải trả một giá khá đắt.

 

Một là, hỏi giật giọng như vậy một, hai lần thì còn lôi cuốn sự chú ý của độc giả, tạo không khí sống động cho bài thơ, nhưng chơi cái mửng ấy đến 10 lần - mà lần nào câu hỏi cũng chỉ một chữ Ai? và câu trả lời cũng là dáng điệu bất tri, bất lực của cái bóng (3) - thì càng về sau cảm giác nhàm chán càng nặng nề.

 

Hai là, về chữ nghĩa, ý tứ thì bài thơ nhất khí liền mạch nhưng hơi thơ, dòng thơ thì vì phải qua hơi nhiều bảng Stop nên không có trớn, chảy không được nhanh, được mạnh, không tận dụng được sự gia tăng tốc độ và cường độ dòng chảy khi có “sóng sau dồn sóng trước”. Do đó, thiệt thòi cho sự lớn mạnh của hồn thơ.

 

Tôi nghĩ rằng nếu không có quá nhiều bảng Stop do “đối thoại với cái bóng” tạo ra thì hơi thơ, hồn thơ sẽ mạnh hơn nhiều và giá trị nghệ thuật của bài thơ còn cao hơn nữa.

 

 Đoạn Kết Thiếu Thuyết Phục

 

 Mới đây cô giáo Trần Thị Lam cũng vẽ lên một bức tranh đen tối của đắt nước qua bài thơ Đất Nước Mình Ngộ Quá Phải Không Anh? Cô chấm dứt bài thơ bằng một câu hỏi:

 

 Ai trả lời giùm đất nước sẽ về đâu?

 

 làm xốn xang, rung động trái tim của hàng triệu người yêu thơ, yêu quê hương dân tộc bởi vì đó là nỗi băn khoăn chung của toàn dân trước hiện tình đất nước..

 

 Nguyễn Duy đã moi tâm huyết, dùng tài thơ của mình vẽ lên bức tranh về con người và quê hương đất nước Việt Nam rất sinh động, rất thật nhưng đen như mõm chó, đen như cái “sự đời”. Vâng, bức tranh Nhìn Từ Xa … Tổ Quốc đầy đủ, cụ thể, rõ nét, sinh động và “đen” hơn bức tranh của cô giáo nhiều. Nhưng nhà thơ của chúng ta lại rất lạc quan bảo người dân Việt Nam:

 

 “Còn thơ còn dân

ta là dân - vậy thì ta tồn tại (sic!)

 

Giọt từng giọt

nặng nhọc thay

Dù có sao đừng thở dài

Còn da lông mọc còn chồi nảy cây

 

 thì đúng là ngài nói cho lấy được, chẳng “tâm lý” tý nào. Lạc quan của ngài là thứ lạc quan tếu và niềm tin của ngài chỉ nhẹ như những câu xã giao, đầu môi chót lưỡi của láng giềng an ủi nhau trong cảnh nghèo hoặc khi gặp hoạn nạn:

 

“Thôi! Bác cũng đừng quá buồn. Hết cơn bỉ cực tới hồi thái lai.” (Sau đó nếu nó cứ bỉ cực hoài mà không thấy thái lai thì cũng cố chịu vậy nhé)

 

Khi viết:

 

Giọt từng giọt

nặng nhọc thay

 

không biết có phải ngài muốn nói đến việc thay máu nhiễm trùng không? Nếu đúng thế thì nhà thơ kiêm bác sĩ (mà tôi rất yêu mến và nể trọng) đang … mơ. Lẽ ra phải giải quyết cái nguồn đưa vi trùng vào máu thì ngài lại “thay máu từng giọt”. Chữa bệnh kiểu đó thì ngài – và hàng mấy chục triệu bệnh nhân khác - sẽ “chết trước giờ xổ số”.

 

 Riêng câu “Dù có sao đừng thở dài” thì rất “chõi” với tứ thơ, như một cái gai nhọn và cứng đâm vào da thịt người đọc.

 

 Tôi nhớ đã khá lâu rồi - khi gặp nhau ở Cali (Mỹ) - một bạn thơ đã nói với tôi “Biết đâu nếu không có cái đoạn kết lạc quan tếu ấy thì giờ này Nguyễn Duy đang mịt mù ở một vùng núi rừng nào đó còng lưng cuốc đất như Trần Dần, Lê Đạt, Hữu Loan thời Nhân Văn Giai Phẩm. Nguyễn Duy viết như thế là ‘hay’ đấy, chứ không phải ‘dở’ đâu.”

 

Theo tôi, đó chỉ là suy đoán; và “hay, dở” như ông bạn tôi nói là cách ứng xử của thi sĩ trước cường quyền. Nhiệm vụ của tôi - một người bình thơ - là dựa vào văn bản để tìm ra cái hay, cái dở của kỹ thuật và nghệ thuật thơ. Và đoạn kết của NTXTQ với tôi, đã không cùng hướng với dòng chảy của tứ thơ và là một đoạn kết dở.

 

 Đởm Lược Của Nguyễn Duy

 

 Nguyễn Duy nhìn quanh quất rồi than một câu não nuột trong bài thơ của mình:

 

“Ngày càng hiếm hoi câu thơ tuẫn tiết”

 

Nhân sĩ Bắc Hà và cả miền nam (13 năm sau ngày đổi chủ)) đã biết rõ chế độ XHCN nó nguy hại như thế mà miệng vẫn ngậm tăm. Để giải thích hiện tượng này nhà phê bình Chu Văn Sơn đã viết “Rồi yêu nước cũng phải có chỉ đạo nữa. Có phải thế không mà lòng yêu nước, nỗi đau đời lắm khi cứ phải nói chui như một thứ hàng lậu. Thiện chí bị nghi ngờ, thiện tâm bị cảnh giác. Lời tâm huyết bị kiểm duyệt, cắt xén sao cho hợp những cái khuôn cấm kỵ, lọt được những lỗ tai đông đặc nghi kỵ. (3)

 

Riêng Nguyễn Duy, ông không chỉ than suông mà đã viết – viết đúng những vần thơ tuẫn tiết - phổ biến là có thể mất mạng hoặc tù đày. Biết thế nhưng ông vẫn cứ “chơi” và sẵn sàng chấp nhận hậu quả. Người đời kính trọng ông, yêu mến ông vì tài thơ, vì lòng yêu nước, nhưng có lẽ còn kính trọng và yêu mến ông nhiều hơn nữa vì đởm lược – thái độ anh hùng, hiên ngang bất khuất - của ông. Bàì thơ vì thế xuất hiện đúng lúc, tính thời sự nóng hổi, có tiếng vang lớn cả bắc lẫn trong nam.

 

 Kết Luận

 

 Nhìn Từ Xa … Tổ Quốc là một bài thơ rất hay - tứ thơ táo bạo, ngôn ngữ hình tượng tuyệt vời, viết trong lúc cao hứng nên cảm xúc mạnh, thơ có hồn. Có chút “xộc xệch” về thế trận chữ nghĩa nên bài thơ chưa phải là toàn bích.

 

Nhưng chỉ với hình hài như thế thôi nó đã làm chính quyền bối rối. “Nó cũng như một giọt nước đầy ly, tạp chí Sông Hương đang có một số vấn đề mà gặp bài “Nhìn Từ Xa … Tổ Quốc” này thành ra họ phải đình bản để kiểm điểm.”(4)  Còn độc giả thì khỏi nói, trình độ thưởng thức thơ càng cao thì càng khoái - đọc mà nở từng khúc ruột.

 

Tôi xin mạn phép xếp nó vào danh sách gồm 3 bài thơ phản kháng xuất sắc (5), về giá trị nghệ thuật đã đủ tầm vóc để đại diện cho một giai đoạn lịch sử của dân tộc – giai đoạn CNXH bị áp đặt trên toàn nước Việt Nam.

 

 Texas 07/ 2016

 

Phạm Đức Nhì

 

nhidpham@gmail.com

 

Blog: phamnhibinhtho.blogspot.com

 

 CHÚ THÍCH:

 

1/ Vũ Ánh, một phóng viên tài ba, một viên chức cao cấp trong ngành Truyền Thanh Truyền Hình VNCH (Sau này là chủ bút báo Người Việt ở Califonia) trong thời gian bị giam ở Trại Trừng Giới A 20 Xuân Phước đã thực hiện tờ Hợp Đoàn - một tờ báo “chui”, kiểu Nguyệt San - để đấu tranh chống chính sách đối xử dã man với tù nhân của trại.

 

Sau khi anh bị đưa đi “xà lim” dài hạn, tôi được đề cử thay thế phụ trách tờ báo. Được thêm 3 số nữa thì báo bị đình bản vì lý do an ninh. Một năm sau, chuyện làm báo bị đổ bể nhưng không có vật chứng. Tuy nhiên, Bộ Nội Vụ vẫn bắt giải những người liên can về Số 4 Phan Đăng Lưu để thụ lý chờ ra tòa. Ngoài ra tôi còn dính líu tới một bài thơ “có vấn đề” mà người lưu giữ nó đã bị xử 12 năm tù.

 

2/ Bờ Vẫn Quá Xa, Phạm Đức Nhì, t-van.net

 

3/ Mượn chữ của Chu Văn Sơn trong bài Nhìn Từ Xa Tổ Quốc - Tiếng Thơ Quằn Quại Bi Hùng https://ngominhblog.wordpress.com/2015/02/26/nhin-tu-xa-to-quoc-tieng-tho-quan-quai-bi-hung/

 

 

 4/ http://hatranghn.blogtiengviet.net/2013/05/15/bani_thai_nhann_tarl_xa_tar_quar_c_carsa

 

5/ Gồm: Nhìn Từ Xa … Tổ Quốc của Nguyễn Duy, Bánh Vẽ của Chế Lan Viên và Tạ Lỗi Trường Sơn của Đỗ Trung Quân.

 

PHỤ LỤC:

 

Nhìn Từ Xa … Tổ Quốc

 

 

Ðối diện ngọn đèn

trang giấy trắng như xeo bằng ánh sáng

Ðêm bắc bán cầu vần vụ trắng

nơm nớp ai rình sau lưng ta

 

Nhủ mình bình tâm nhìn về quê nhà

xa vắng

núi và sông

và vết rạn địa tầng

 

Nhắm mắt lại mà nhìn

thăm thẳm

yêu và đau

quằn quại bi hung

 

Dù ở đâu vẫn Tổ Quốc trong lòng

cột biên giới đóng từ thương đến nhớ

*

Ngọn đèn sáng trắng nóng mắt quá

ai cứ sau mình lẩn quất như ma

Ai ?

im lặng

Ai ?

cái bóng !

A… xin chào người anh hùng bất lực dài ngoẵng

bóng máu bầm đen sõng soài nền nhà

Thôi thì ta quay lại

chuyện trò cùng cái bóng máu me ta

*

Có một thời ta mê hát đồng ca

chân thành và say đắm

ta là ta mà ta cứ mê ta(*)

Vâng – đã có một thời hùng vĩ lắm

hùng vĩ đau thương hùng vĩ máu xương

mắt người chết trừng trừng không chịu nhắm

Vâng – một thời không thể nào phủ nhận

tất cả trôi xuôi – cấm lội ngược dòng

thần tượng giả xèo xèo phi hành mỡ

ợ lên thum thủm cả tim gan

 

*

Ta đã xuyên suốt cuộc chiến tranh

nỗi day dứt không nguôi vón sạn gót chân

nhói dài mỗi bước

Thời hậu chiến vẫn ta người trong cuộc

xứ sở phì nhiêu sao thật lắm ăn mày ?

Ai ?

không ai

Vết bầm đen đấm ngực

*

Xứ sở nhân tình

sao thật lắm thương binh đi kiếm ăn đủ kiểu

nạng gỗ khua rỗ mặt đường làng

Mẹ liệt sĩ gọi con đội mồ lên đi kiện

ma cụt đầu phục kích nhà quan

Ai ?

không ai

Vết bầm đen quều quào giơ tay

*

Xứ sở từ bi sao thật lắm thứ ma

ma quái – ma cô – ma tà – ma mãnh…

quỉ nhập tràng xiêu vẹo những hình hài

Ðêm huyền hoặc

dựng tóc gáy thấy lòng toang hoác

mắt ai xanh lè lạnh toát

lửa ma trơi

Ai ?

không ai

Vết bầm đen ngửa mặt lên trời

*

Xứ sở linh thiêng

sao thật lắm đình chùa làm kho hợp tác

đánh quả tù mù trấn lột cả thần linh

Giấy rách mất lề

tượng Phật khóc Ðức Tin lưu lạc

Thiện – Ác nhập nhằng

Công Lý nổi lênh phênh

Ai ?

không ai

Vết bầm đen tọa thiền

*

Xứ sở thông minh

sao thật lắm trẻ con thất học

lắm ngôi trường xơ xác đến tang thương

Tuổi thơ oằn vai mồ hôi nước mắt

tuổi thơ còng lưng xuống chiếc bơm xe đạp

tuổi thơ bay như lá ngã tư đường

Bịt mắt bắt dê đâu cũng đụng thần đồng

mở mắt… bóng nhân tài thất thểu

Ai ?

không ai

Vết bầm đen cúi đầu lặng thinh

*

Xứ sở thật thà

sao thật lắm thứ điếm

điếm biệt thự – điếm chợ – điếm vườn…

Ðiếm cấp thấp bán trôn nuôi miệng

điếm cấp cao bán miệng nuôi trôn

Vật giá tăng

vì hạ giá linh hồn

Ai ?

không ai

Vết bầm đen vò tai

*

Xứ sở cần cù

sao thật lắm Lãn Ông

lắm mẹo lãn công

Giả vờ lĩnh lương

giả vờ làm việc

Tội lỗi dửng dưng

lạnh lùng gian ác vặt

Ðạo Chích thành tôn giáo phổ thông

Ào ạt xuống đường các tập đoàn quân buôn

buôn hàng lậu – buôn quan – buôn thánh thần – buôn tuốt…

quyền lực bày ra đấu giá trước công đường

Ai ?

không ai

Vết bầm đen nhún vai

*

Xứ sở bao dung

sao thật lắm thần dân lìa xứ

lắm cuộc chia li toe toét cười

Mặc kệ cỏ hoang cánh đồng gái góa

chen nhau sang nước người làm thuê

Biển Thái Bình bồng bềnh thuyền định mệnh

nhắm mắt đưa chân không hẹn ngày về

Ai ?

không ai

Vết bầm đen rứt tóc

*

Xứ sở kỷ cương

sao thật lắm thứ vua

vua mánh – vua lừa – vua chôm – vua chỉa

vua không ngai – vua choai choai – vua nhỏ…

Lãnh chúa xứ quân san sát vùng cát cứ

lúc nhúc cường hào đầu trâu mặt ngựa

Luật pháp như đùa như có như không có

một người đi chật cả con đường

Ai ?

không ai

Vết bầm đen gập vuông thước thợ

*

?…

?…

?…

*

Ai ?

Ai ?

Ai ?

Không ai !

Không ai !

Không ai !

Tự vấn – mỏi

vết bầm đen còng còng dấu hỏi

*

Thôi thì ta trở về

còn trang giấy trắng tinh chưa băng hoại

còn chút gì le lói ở trong lòng

*

Ðôi khi nổi máu lên đồng

hồn thoát xác

rũ ruột gan ra đếm

Chích một giọt máu thường xét nghiệm

tí trí thức – tí thợ cày – tí điếm

tí con buôn – tí cán bộ – tí thằng hề

phật và ma mỗi thứ tí ti…

Khốn nạn thân nhau

nặng kiếp phân thân mặt nạ

Thì lột mặt đi lần lữa mãi mà chi

dù dối nữa cũng không lừa được nữa

khôn và ngu đều có tính mức độ

*

Bụng dạ cồn cào bất ổn làm sao

miếng quá độ nuốt vội vàng sống sít

mất vệ sinh bội thực tự hào

Sự thật hôn mê – ngộ độc ca ngợi

bệnh và tật bao nhiêu năm ủ lại

biết thế nhưng mà biết làm thế nào

Chả lẽ bây giờ bốc thang chửi bới

thầy chửi bới nhe giàn nanh cơ hội

Chả lẽ bốc thang cỏ khô nhai lại

lạy ông-cơ-chế lạy bà-tư-duy

xin đừng hót những lời chim chóc mãi

Ðừng lớn lối khi dân lành ốm đói

vẫn còng làm cho thẳng lưng ăn

Ðổi mới thật không hay giả vờ đổi mới?

máu nhiễm trùng ta có thể thay chăng?

*

Thật đáng sợ ai không có ai thương

càng đáng sợ ai không còn ai ghét

Ngày càng hiếm hoi câu thơ tuẫn tiết

ta là gì ?

ta cần thiết cho ai ?

*

Có thể ta không tin ai đó

có thể không ai tin ta nữa

dù có sao vẫn tin ở con người

Dù có sao

đừng khoanh tay

khủng khiếp thay ngoảnh mặt bó gối

Cái tốt nhiều hơn sao cái xấu mạnh hơn ?

những người tốt đang cần liên hiệp lại!

*

Dù có sao

vẫn Tổ Quốc trong lòng

mạch tâm linh trong sạch vô ngần

còn thơ còn dân

ta là dân – vậy thì ta tồn tại

*

Giọt từng giọt

nặng nhọc

Nặng nhọc thay

Dù có sao

đừng thở dài

còn da lông mọc còn chồi nảy cây.

 

____

1. Thơ Chế Lan Viên

Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2016

TRANH LUẬN VỀ HAI CÁI BẪY NGUY HIỂM CỦA NHỚ RỪNG


               TRANH LUẬN VỀ “HAI CÁI BẪY NGUY HIỂM CỦA NHỚ RỪNG”

 Bài 1: HAI CÁI BẪY NGUY HIỂM CỦA “NHỚ RỪNG”
(Nhân đọc mấy bài bình Nhớ Rừng trên vài trang web tiếng Việt)

Muốn khuyên người dân xài hàng nội hoá một cô khá đẹp, giữ chức vụ cao trong chính phủ, khi trả lời phỏng vấn đã viện dẫn hai câu ca dao:

      Ta về ta tắm ao ta

        Dù trong, dù đục ao nhà vẫn hơn”

Cô này liền bị một đấng mày râu chơi xỏ: “Xin nghiêng mình kính phục cái tinh thần tự lực cánh sinh, độc lập tự chủ của cô. Chỉ tiếc rằng một người đẹp như cô lại chấp nhận… ở dơ.” (Dù trong dù đục ao nhà vẫn … tắm) Phép ẩn dụ của câu ca dao trên không kín kẽ, không che chắn được hết mọi bề nên nàng yểu điệu thục nữ kia đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt.
 
Bài thơ Ngọn Cỏ (1) cũng thế. Chọn cái tư thế đứng đái của phụ nữ để ngụ ý rằng phụ nữ có thể sánh vai cùng nam giới, bình đẳng với nam giới, là một phép ẩn dụ rất hay, rất ý nhị nhưng không kín kẽ, giống như thuốc chữa được bệnh nhưng lại có phản ứng phụ.

Phép ẩn dụ biến thể của Nhớ Rừng cũng có 2 phản ứng phụ. Đó là 2 cái bẫy đối với những ai yêu thích nó. Những ai mê cái chí lớn, cái khẩu khí Chúa Sơn Lâm của con hổ rất dễ sập 2 cái bẫy này.

     1/ Con hổ trong vườn bách thú tuy vẫn khao khát tự do, vẫn mơ “giấc mộng ngàn to lớn” nhưng đã mất hết ý chí chiến đấu, đã đành bó tay cam chịu, chấp nhận thực tại phũ phàng.

Hỡi oai linh, cảnh nước non hùng vĩ!
Là nơi giống hùm thiêng ta ngự trị,
Nơi thênh thang ta vùng vẫy ngày xưa
Nơi ta không còn được thấy bao giờ!


Đó là thái độ tuyệt vọng, cam chịu, rất thực tế, biết mình biết người, rất đúng với hoàn cảnh của con hổ trong vườn bách thú.

     2/ Con hổ khao khát tự do. Nhưng nếu được tự do nó sẽ trở thành một bạo chúa, áp dụng chế độ độc tài với “thần dân” của nó.

Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc
Là khiến cho mọi vật đều im hơi.
Ta biết ta chúa tể muôn của loài


Cái tính muốn làm bạo chúa đã là máu thịt, đã là bản chất của loài hổ. Đó là một thực tế không thể chối cãi.

Cái khe hở của câu ca dao và Ngọn Cỏ nằm ở vế thứ nhất (tứ). Khe hở của Nhớ Rừng nằm ở vế thứ hai (ý), thông điệp kín mà tác giả muốn gởi đến, muốn nó thấm vào tâm hồn độc giả. Trong hoàn cảnh khắc nghiệt của cuộc sống - đặc biệt là của người dân Việt Nam, luôn luôn phải chịu cách đối xử áp bức, trịch thượng, bất công của ngoại bang – thái độ tuyệt vọng, cam chịu, không còn muốn chiến đấu rất dễ thuyết phục người dân, rất dễ thấm vào đầu họ bởi không đòi hỏi phải nỗ lực, nhấc tay nhấc chân, không phải đối diện với nguy hiểm, mất mát, tù tội, chết choc, hy sinh, cứ lặng lẽ sống cam chịu ngày này qua ngày khác.

Đối với tinh thần vương tướng, độc tài thì khỏi nói. Ý niệm dân chủ tự do chỉ mới xuất hiện trên bình diện chữ nghĩa. Người dân Việt chưa được sống trong một xã hội, một chính quyền thực sự dân chủ tự do. Khi thời cơ đến, người ta khó tránh khỏi sức cám dỗ của chức vị Chúa Sơn Lâm, thâu tóm quyền hành tuyệt đối về phe nhóm mình. 

Là con người, liệu “Ta có chấp nhận thái độ cam chịu, buông xuôi, tuyệt vọng như con hổ không?” Khi được thoát cũi xổ lồng ta có giống con hổ trở thành ông vua độc tài chà đạp tự do của người khác không? Nếu câu trả lời là Không thì hãy đọc Nhớ Rừng như một bài thơ hay, diễn tả hùng khí và tâm trạng tuyệt vọng của con hổ trong vườn bách thú. Đừng “ghé” vào, hoặc xúi bảo con cháu “ghé” vào bài thơ để “dây máu ăn phần”, để được “ké” tý hùng khí của nó. Cái giá phải trả để có tý hùng khí đó - đặc biệt với lớp trẻ - là rất đắt. Không thể nói ta chỉ “thưởng thức” cái chí lớn của con hổ, còn những tính xấu của nó thì ta lờ đi. Những tính xấu đó đã là máu thịt của con hổ (đặc biệt là con hổ trong vườn bách thú), đã thấm đẫm vào bài thơ, làm sao có thể tách rời ra được.

Nhớ Rừng giống như cô gái nhảy xinh đẹp, thân hình sexy, hấp dẫn nhưng mắc chứng bệnh SIDA nguy hiểm. Chứng bệnh này không có những biểu hiện rõ rệt ở bên ngoài nên rất khó nhận biết bằng mắt thường. Ai ham hố “dính vào” để được hưởng lạc thú ái ân với cô thì sẽ nhiễm HIV. Vi khuẩn HIV sẽ tiềm ẩn trong máu, đến một lúc nào đó sẽ bộc phát và hậu quả sẽ khó lường.

Không biết từ lúc xuất hiện và được ngợi ca đến nay Nhớ Rừng đã khiến bao nhiêu người sập bẫy. “Cẩn tắc vô áy náy”. Hãy coi đoạn văn ngắn này như một lời cảnh báo … muộn màng.

Phạm Đức Nhì

Chú Thích:

1/ Xem Ngọn Cỏ Một Bài Thơ Hay? của Phạm Đức Nhì (t-van.net)

 

Bài 2: KHÔNG SỢ THỪA! CHỈ SỢ QUÁ MUỘN
(Trao đổi với nhà văn Lê Xuân Quang về bài thơ Nhớ Rừng)

Được người bạn cho biết là có “lời bình” liên quan đến bài viết Hai Cái Bẫy Nguy Hiểm Của Nhớ Rừng, tôi, theo lời chỉ dẫn vào trang web của nhà văn Lê Xuân Quang (lexuanquang.org). Ở đây tôi thấy nguyên văn bài viết của mình với một đoạn lời bình của nhà văn LXQ như sau:

 LXQ: Cách suy nghĩ phân tích Thơ của ông Phạm Đức Nhì trong cảm thụ Thi ca có những’’phát kiến…mới’’ thiên về thực dụng chỉ nên dành cho nhà khoa học, sinh học, văn sĩ , nhà báo… Theo đó, con Hổ vốn dĩ là kẻ ác, cứ để nó chết trong cũi, cho nó ra là sẽ tiếp tục ăn thịt  kẻ khác và thành’’kẻ độc tài… (toàn trị)’’, gây tai họa cho người …

Ca dao, Thơ vốn dĩ kiệm lời lại đòi hỏi người thưởng thức phải cảm thụ bằng sự rung động của nhịp tim để kích thích trí tưởng tượng phong phú trong mỗi bộ não. ’’Dù trong dù đục’’ chỉ là ẩn dụ không phải trong đục cụ thể ở nước để…tắm. Con hổ bị giam nhốt chi là vật hình tượng nói về TỰ DO, KHÔNG PHẢI CON HỔ CHÚA SƠN LÂM NGOÀI ĐỜI… Thiết nghĩ’’cảnh báo’’ của nhà phê bình Phạm Đức Nhì trở nên thừa, thậm chí lạc ra ngoài biên của tư tưởng của Thi sĩ trứ danh Thế Lữ khi ông gửi gắm nỗi niềm trong bài thơ NHỚ RỪNG !

  Đọc xong đoạn lời bình dẫn nhập của nhà văn LXQ tôi có mấy nhận xét sau đây:
      1/ Ông đăng kèm cả bài viết của tôi với lời bình. Đó là cách đối xử rất công bằng với người được (bị) phê bình. Một số nơi khác có khi người ta chỉ trích dẫn một vài đoạn để phân tích rồi bình phẩm.

      2/ Ông đặt đoạn lời bình ở phía trước nên người đọc đã bị ông “đầu độc” trước khi đọc bài viết của tôi. Đó là thủ thuật hơi “ác” nhưng theo tôi, vẫn chấp nhận được, vì xét về lý, không phạm luật tranh biện.

     3/ Những điểm cần phê bình ông chỉ ra rất cụ thể, rõ ràng, và nhận định của ông thẳng thắn, dứt khoát.
     4/ Lời lẽ, giọng điệu của lời bình rất lịch sự, hòa nhã.

Lời bình của ông có thể tóm tắt thành 3 điểm chính:
     1/ “Dù trong dù đục” chỉ là ẩn dụ, không phải trong đục cụ thể ở nước để … tắm.

     2/Con hổ giam nhốt chỉ là vật hình tượng nói về Tự Do, Không Phải Con Hổ Chúa Sơn Lâm Ngoài Đời.

     3/ Thiết nghĩ “cảnh báo” của nhà phê bình Phạm Đức Nhì trở nên thừa, thậm chí lạc ra ngoài biên của tư tưởng của thi sĩ trứ danh Thế Lữ khi ông gởi gắm nỗi niềm trong bài thơ Nhớ Rừng.
Và bây giờ tôi xin trao đổi với ông Lê Xuân Quang từng điểm một:

     1/ “Dù trong dù đục” chỉ là ẩn dụ, không phải trong đục cụ thể ở nước để … tắm.
Nói nôm na cho dễ hiểu thì ẩn dụ - ở đây là ẩn dụ toàn bài - là “nói cái này mà ngụ ý cái kia”.

     Thí dụ 1:
                     Bầu ơi thương lấy bí cùng
                     Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn

Cái được nói đến (cái này): bầu và bí chung một giàn, nương nhau mà sống.
Cái được ngụ ý (cái kia): người trong một cộng đồng, một nước phải nương nhau, yêu thương nhau để cùng chung sống trong hòa bình,

Phép ẩn dụ ở đây kín kẽ vì:
   -          Hiểu theo nghĩa đen (cái này: bầu bí chung một giàn, nương nhau mà sống) cũng đúng, cũng hợp lý.
   -          Hiểu theo nghĩa bóng (cái kia: người trong một cộng đồng, một nước phải nương nhau, yêu thương nhau để cùng chung sống trong hòa bình, đùm bọc) cũng hợp tình, hợp lý.
   -          Cái này hoàn toàn ăn khớp, tương xứng với cái kia

     Thí dụ 2:
                    Thân em như quả mít trên cây
                    Da nó xù xì múi nó dầy
                    Quân tử có thương thì đóng cọc
                    Xin đừng mân mó nhựa ra tay.
                     (Quả Mít, Hồ Xuân Hương)

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương kiêm diễn viên xiếc trổ tài đi dây; một sợi dây bên Quả Mít và sợi dây bên kia là cái chuyện “ấy” của trai gái mà bà muốn bóng gió nói đến. Ngoài câu mở đầu có tính chất giới thiệu, 3 câu còn lại đều diễn tả những bộ phận và hành động rất tương xứng của hai bên. Quả mít thì da xù xì, múi dầy; bộ phận quý giá nhất của phụ nữ cũng thế. Với quả mít “quân tử có thương thì đóng cọc”; chuyện “ấy” của trai gái cũng y chang. Quả mít khuyên “xin đừng mân mó nhựa ra tay” thì khi trai gái yêu nhau “nếu mân mó ắt hẳn nhựa cũng sẽ ra tay”, nghĩa là rất tương hợp. Bà Hồ Xuân Hương đã thành công mỹ mãn trong màn xiếc đi dây của mình. Phép ẩn dụ của bài thơ rất tuyệt.

Trong hai thí dụ trên, tác giả đã chọn được cái này cân xứng, tương hợp với cái kia. Hiểu theo nghĩa đen cũng hợp nghĩa, hợp lý, hợp tình. Mà suy tưởng qua nghĩa bóng cũng rất hợp tình, hợp lý. Không có chỗ hở để vặn vẹo, bắt bẻ. Đây là những phép ẩn dụ hoàn hảo.
Bây giờ trở lại câu ca dao:

                    Ta về ta tắm ao ta
                    Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn
Nghĩa đen: dù trong dù đục về tắm ao nhà vẫn hơn.
Nghĩa bóng: dù tốt, dù xấu cũng nên dùng hàng nội hóa (không dùng hàng ngoại) để giúp kinh tế nước nhà phát triển.

Nghĩa đen và nghĩa bóng (cái này và cái kia) rất tương xứng nhưng trong đời sống thực tế thì lại không hợp tình. Ao nhà bẩn quá thì cũng phải muối mặt đi tắm nhờ chứ cứ lao bừa xuống tắm, có ngày mắc bệnh … ghẻ. Hàng nội mà xấu quá, tệ quá thì cũng đành - bỏ chuyện kinh tế nước nhà qua một bên - đi mua hàng ngoại chứ ai dại gì bỏ tiền ra mua thứ vừa xấu mã vừa kém phẩm chất, chưa dùng đã hỏng.
Phép ẩn dụ này không kín kẽ, dễ bị bắt bẻ, vặn vẹo.
Như vậy “dù trong dù đục” là ẩn dụ (thật ra phải nói là nghĩa bóng mới đúng) nhưng cũng là trong đục cụ thể ở nước để … tắm (nghĩa đen)

     2/ Con hổ giam nhốt chỉ là vật hình tượng nói về Tự Do, Không Phải Con Hổ Chúa Sơn Lâm Ngoài Đời.
Nhà thơ Thế Lữ mượn lời con hổ (bị giam nhốt) trong vườn bách thú để “gửi gắm nỗi niềm” nên chúng ta có phép ẩn dụ:
     Cái được nói đến: lời con hổ trong vườn bách thú.
     Cái được ngụ ý: nỗi niềm của tác giả.

Như vậy con hổ ở đây là con hổ thật nhưng không phải con hổ Chúa Sơn Lâm ngoài đời mà là con hổ trong vườn bách thú và tác giả đã mượn nó làm hình tượng nói về Tự Do.

3/ Thiết nghĩ “cảnh báo” của nhà phê bình Phạm Đức Nhì trở nên thừa, thậm chí lạc ra ngoài biên của tư tưởng của thi sĩ trứ danh Thế Lữ khi ông gởi gắm nỗi niềm trong bài thơ Nhớ Rừng.
Bài thơ Nhớ Rừng có ngôn ngữ cao sang. Cả 47 câu thơ, câu nào cũng đúng, cũng hợp với khẩu khí của con hổ. Từ tâm trạng bực bội vì bị xếp ngang hàng với những loài hèn kém trong khung cảnh gò bó, tù túng của cũi sắt vườn bách thú đến nỗi nhớ thương tiếc nuối những ngày còn là Chúa Sơn Lâm trong rừng sâu núi thẳm. Từ niềm uất hận phải sống giữa cảnh trí tầm thường giả dối do con người sắp đặt đến thái độ bó tay cam chịu nhưng vẫn khao khát tự do trong “giấc mộng ngàn to lớn”. Nhất nhất cứ như con hổ thật, biết nói tiếng người, đang tâm sự với độc giả. Cảm xúc dạt dào, hơi thơ rất mạnh khiến dòng thơ cứ băng băng tuôn chảy.

Nếu là bài bình thơ thì tôi sẽ phân tích kỹ hơn, nhưng ở đây tôi chỉ xin nói đến hai điểm “xấu”, hai thái độ tiêu cực của con hổ.

     1/ Con hổ hoàn toàn buông tay, tuyệt vọng.

       Đây là lời con hổ:
Hỡi oai linh, cảnh nước non hùng vĩ!
Là nơi giống hùm thiêng ta ngự trị,
Nơi thênh thang ta vùng vẫy ngày xưa
Nơi ta không còn được thấy bao giờ!

Nỗi niềm khao khát tự do của con hổ rất kỳ lạ. Thích tự do nhưng không tìm, không có kế hoạch để xin, để đòi tự do, để vượt ngục. Cứ lặng lẽ ngồi mơ, mong một phép mầu nào đó xảy ra. Nếu Thế Lữ viết: “Nơi ta chắc không còn thấy bao giờ” thì còn có chút hy vọng, dù rất mong manh. Đàng này lại là “Nơi ta không còn được thấy bao giờ” – nghĩa là khẳng định 100%; con hổ đã hoàn toàn tuyệt vọng, xuôi tay cam chịu. Đây rõ ràng là lời thơ Thế Lữ, nỗi niềm của Thế Lữ cho nên ông LXQ gán cho tôi cái tội “lạc ra ngoài biên tư tưởng…” là ông đã đổ oan cho tôi rồi đấy.

     2/ Con hổ lúc nào cũng mơ “giấc mộng ngàn to lớn”

Cái tính ham hố địa vị, quyền hành, lúc nào cũng mơ tưởng đến cái thời còn là Chúa Sơn Lâm, cai quản cả một vương quốc núi rừng rộng lớn đã nằm trong máu thịt, xương cốt của con hổ. Chính Thế Lữ cũng đã cho con hổ nói lên tâm sự của nó:

               Trong hang núi mắt thần khi đã quắc

               là khiến cho mọi vật đều im hơi

               ta biết ta chúa tể của muôn loài

Đó là cái tính lúc nào cũng muốn ra oai, sẵn sàng lấn lướt, hiếp đáp người khác. Và đó cũng rõ ràng là những câu thơ trong Nhớ Rừng, là nỗi niềm của Thế Lữ. (Ông LXQ thấy đấy! Tôi vẫn dựa vào văn bản để nói, phân tích chứ không hề đi “lạc ra ngoài biên tư tưởng …”)

Tóm lại, Nhớ Rừng là bài thơ hay; hay về ngôn ngữ, kỹ thuật, về cảm xúc. Riêng về ý tưởng thì lại là chuyện khác. Nếu bảo Thế Lữ đã gởi gắm nỗi niềm vào con hổ trong vườn bách thú thì ông đã “trao duyên lầm kẻ xấu”. Con hổ này chí khí thì không có gì ghê gớm. Chỉ được cái giọng điệu, thái độ cao ngạo vì đã có một thời làm vương, làm tướng – không phải do tài năng mà là nhờ “con ông cháu cha”, nhờ huyết thống, nòi giống của mình. Bị giam hãm thì lúc nào cũng tiếc nuối quá khứ, mơ “giấc mộng ngàn to lớn”, được trở lại làm Chúa Sơn Lâm hét ra lửa, mửa ra khói nơi núi rừng nhưng lại hèn nhát buông tay cam chịu, không hề có ý định chứ đừng nói gì đến quyết tâm đào thoát tìm tự do.

Mấy tuần qua nước Mỹ rúng động vì cuộc vượt ngục của hai tù nhân giết người trong một trại giam an ninh cực cao ở New York. Sau hơn 3 tuần lễ truy đuổi, một bị bắn chết và một bị bắt lại. Chi phí cho việc truy đuổi được ước tính lên đến trên 1 triệu đô la mỗi ngày (1). Tôi hoàn toàn lên án tội ác của hai tù nhân này và muốn họ phải tiếp tục chịu hình phạt như công lý đã xét xử. Nhưng nếu nói về niềm khao khát tự do thì họ đã hơn hẳn con hổ, cái hình tượng tự do (chữ của ông LXQ) của Thế Lữ; họ đã tìm tay trong giúp đỡ, thu góp dụng cụ cần thiết, chuẩn bị kế hoạch và cuối cùng đã dám đem sinh mạng của mình để đổi lấy tự do.

Giai đoạn còn đi làm chế biến hải sản (seafood), những lúc không có hàng nằm nghỉ dài dài ở nhà tôi thường làm thơ, đọc sách và xem phim. Cuốn phim tôi thích nhất, xem đi, xem lại nhiều lần nhất là Bố Già (The Godfather). Khi phát hành (năm 1972) Bố già đã trở thành bộ phim ăn khách nhất tính cho đến thời điểm đó với doanh thu hơn 5 triệu USD trong tuần đầu và hơn 81 triệu USD cho lần phát hành đầu tiên, 134 triệu USD cho lần phát hành tiếp theo. Bố G đã giành được 3 giải Oscar, 5 giải Quả Cầu Vàng, 1 giải Grammy và nhiều giải khác. Sau này bộ phim được coi là một trong những tác phẩm hay nhất của lịch sử điện ảnh. (2)

Khoảng 7, 8 năm trước và rồi đầu năm nay (2015), khi phim Bố Già được chiếu đi chiếu lại liên tục, có khi suốt ngày (marathon) ở giữa có cả phần phát biểu của các diễn viên chính và những người liên quan đến việc sản xuất bộ phim, tôi ghi nhận được một chi tiết lý thú. Đó là sau khi Bố Già được trình chiếu một thời gian, báo chí đã tiết lộ những số liệu của chính phủ cho biết “tệ nạn băng đảng đã gia tăng ở mức độ đáng lo ngại.” Số lượng băng đảng nhiều hơn trước. Các băng đảng lớn mạnh hơn, tổ chức chặt chẽ hơn. Thành viên của mỗi băng đảng đông hơn, trong đó con số thành viên mới đã tăng trưởng mạnh mẽ hơn rất nhiều. 

Ai cũng biết băng đảng là xấu xa, tội lỗi. Bước vào là tay dính chàm, phạm đủ loại tôi ác. Từ tống tiền, kinh doanh khách sạn, sòng bài, cá độ, đĩ điếm … đến giết người, có khi hàng loạt, kể cả anh em ruột thịt (Gia đình Ông Trùm Corleon không dính đến ma tuý). Rồi còn tù tội chết chóc lúc nào cũng rình rập, đợi chờ, mặc cảm tội lỗi lúc nào cũng ám ảnh lương tâm. Như vậy tại sao đám thanh niên trẻ - sau khi xem Bố Già - lại hăng hái gia nhập các băng đảng Mafia? Sức hấp dẫn của Bố Già ở chỗ nào? Một số nhà báo đã đưa ra mười mấy lý do. Tôi chỉ xin ghi ở đây vài lý do chính:  
      -          Giúp đỡ người cô thế, yếu đuối.
      -          Đãi ngộ tốt những người làm việc cho mình.
      -          Đã hứa là giữ lời.
      -          Coi gia đình là quan trọng nhất.
      -          Thiết lập tình bằng hữu bằng sự tôn trọng, công việc và lòng tin.
      -          Không hành động theo cảm tính.
      -          Vũ lực là lựa chọn sau cùng.
      -          ………………………
Trong phim đạo diễn đã khéo léo phô diễn những tính tốt, tính anh hùng mã thượng của Ông Trùm. Mặt trái của Mafia xuất hiện ít hơn.
Là một nước mà Tự Do Ngôn Luận được tôn trọng và bảo vệ tối đa, chính phủ Mỹ đã không có quyền thu hồi hoặc cấm chiếu phim Bố Già (dù rất muốn) với lý do là nó đã tác hại đến vấn đề tội phạm của quốc gia. Nhà chức trách đã phải tìm một giải pháp khác. Đó là gợi ý (hoặc ngầm yểm trợ) để giới phim ảnh làm những bộ phim khác lột trần bộ mặt thật của Mafia để giải độc. Những bộ phim GoodFellas (3). The Making of the Mob (Sự Hình Thành Của Mob) (4) … được sản xuất đã có hiệu quả này.
Nhớ Rừng của Thế Lữ cũng gần giống như vậy. Cái tốt, cái xấu lẫn lộn. Cái tốt được tài thơ của tác giả hết sức phô trương. Cái xấu khá mờ nhạt, phải để ý kỹ mới thấy. Nhưng được dòng cảm xúc thơ chuyển tải, nó có khả năng thấm dần vào tim óc người đọc. Tôi không biết là có thực sự có không, cái quan hệ nhân quả giữa “nọc độc của Nhớ Rừng” với cách ứng xử của con người Việt Nam, bởi chưa có ai quan tâm nghiên cứu về vấn đề này.
Nhưng qua việc theo dõi tin tức về quê hương Việt Nam hàng ngày, có khi hàng giờ, qua mấy lần về Việt Nam, mỗi lần hàng mấy tháng, đi từ nam ra bắc, tiếp xúc với đủ hạng người - từ nghèo khổ, thất học đến những người giầu có, bằng cấp cao, có chức tước trong chính quyền - tôi đã cảm thấy một điều đáng sợ. Nhiều người Việt Nam không phải chỉ mới nhiễm HIV mà chứng bệnh SIDA Nhớ Rừng - cả loại 1 lẫn loại 2 - đã phát tác, đã tàn phá, không phải thể xác mà là tâm hồn họ và có thể đã lây lan đến cả thế hệ trẻ sau này.
Để kết luận tôi muốn nói với ông Lê Xuân Quang một câu chân tình. Tôi không sợ lời cảnh báo của tôi thừa. Tôi chỉ sợ nó quá muộn.

Galveston, Texas 07/2015
Phạm Đức Nhì
nhidpham@gmail.com

 Chú thích và (hoặc) tham khảo:
1/  http://www.vox.com/2015/6/9/8751483/prison-escape-manhunt

3/  https://en.wikipedia.org/wiki/Goodfellas



 Nhớ Rừng


Tác giả: Thế Lữ
Tặng Nguyễn Tường Tam
(Lời con Hổ ở vườn Bách thú)

Gặm một khối căm hờn trong cũi sắt,
Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua.

Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ,
Giương mắt bé riễu oai linh rừng thẳm

Nay sa cơ, bị nhục nhằn tù hãm
Để làm trò lạ mắt, thứ đồ chơi.

Chịu ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi,
Với cặp báo chuồng bên vô tư lự.

Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ,
Thủa tung hoành, hống hách những ngày xưa.

Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già,
Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi,

Với khi thét khúc trường ca dữ dội
Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng,

Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng,
Vờn bóng âm-thầm, lá gai, cỏ sắc.

Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc
Là khiến cho mọi vật đều im hơi.

Ta biết ta chúa tể muôn của loài
Giữa chốn thảo hoa, không tên không tuổi.

Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối,
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?

Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn
Ta lặng ngắm giang san ta đổi mới?

Đâu những bình minh cây xanh nắng gội
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?

Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt

Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật?
Than ôi! thời oanh liệt nay còn đâu?

Nay ta ôm niềm uất hận ngàn thâu
Ghét những cảnh không đời nào thay đổi,

Những cảnh sửa sang, tầm thường, giả dối:
Hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng;

Giải nước đen giả suối, chẳng thông dòng
Len dưới nách những mô gò thấp kém;

Dăm vừng lá hiền lành không bí hiểm
Cũng học đòi bắt chước vẻ hoang vu

Của chốn ngàn năm cao cả, âm u.

Hỡi oai linh, cảnh nước non hùng vĩ!
Là nơi giống hùm thiêng ta ngự trị,

Nơi thênh thang ta vùng vẫy ngày xưa
Nơi ta không còn được thấy bao giờ!

Có biết chăng trong những ngày ngao ngán
Ta đang theo giấc mộng ngàn to lớn

Để hồn ta phảng phất được gần ngươi
Hỡi cảnh rừng ghê gớm của ta ơi!

1936

THẾ LỮ

Lời biện hộ:   Châu Thạch

Thế Lữ là một trong nhưng cây bút đi đầu của phong trào thơ mới. Tác phẩm ghi lại dấu ấn của ông là bài thơ “Nhớ Rừng”. Từ ngày bài thơ được phổ biến đến nay đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực ca tụng nó. Gần đây nhà thơ Phạm Đức Nhì trong bài viết “Hai Cái Bẫy Nguy Hiểm Của Nhớ Rừng”* đã có một cái nhìn khác mà nhà văn Lê Xuân Quang nhận xét đại ý là “Cách suy nghĩ phân tích Thơ của ông Phạm Đức Nhì trong cảm thụ Thi ca có những ‘phát kiến…mới’ thiên về thực dụng”
Trong cái nhìn “phát kiến…mới” nầy nhà thơ Phạm Đức Nhì đã phê phán bài thơ “Nhớ Rừng” đại ý như sau:

1/ Con hổ trong vườn bách thú tuy vẫn khao khát tự do, vẫn mơ “giấc mộng ngàn to lớn” nhưng đã mất hết ý chí chiến đấu, đã đành bó tay cam chịu, chấp nhận thực tại phũ phàng.
Hỡi oai linh, cảnh nước non hùng vĩ!

Là nơi giống hùm thiêng ta ngự trị,
Nơi thênh thang ta vùng vẫy ngày xưa

Nơi ta không còn được thấy bao giờ!
2/ Con hổ khao khát tự do. Nhưng nếu được tự do nó sẽ trở thành một bạo chúa, áp dụng chế độ độc tài với “thần dân” của nó.

Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc
Là khiến cho mọi vật đều im hơi.

Ta biết ta chúa tể muôn của loài”
Trong phần kết luận bài viết, nhà thơ Phạm Đức Nhì đã nhận định về bài thơ “Nhớ Rừng” có một câu như sau:

“Nhớ Rừng giống như cô gái nhảy xinh đẹp, thân hình sexy, hấp dẫn nhưng mắc chứng bệnh SIDA nguy hiểm.”
Và sau đó trong một bài viết với đề tài “Không Sợ Thừa! Chỉ Sợ Quá Muộn*” để trao đổi với nhà văn Lê Xuân Quang, nhà thơ Phạm Đức Nhì nhấn mạnh hai hành động của Hổ trong vườn bách thú là “bó tay cam chịu số phận” và “mơ ước được tự do sẽ lại làm bạo chúa” là hai cái bẫy nguy hiểm làm thui chột ý chí chiến đấu và cổ vũ cho lòng ham muốn độc tài, hiếp đáp người khác của những thế hệ Việt Nam trước và hiện tại.

Đọc những bài viết của nhà thơ Phạm Đức Nhì tôi xin mạo muội góp một vài ý kiến thổ thiển của mình để biện hộ cho Nhớ Rừng của Thế Lữ. Dẫu ý kiến của tôi có khác biệt nhưng tôi xin bày tỏ lòng cảm mến và khâm phục của tôi đến nhà thơ Phạm Đức Nhì là cây bút thơ và văn điêu luyện mà tôi luôn trân trọng.
- Thứ nhất: Tôi xin nói về con Hổ có khi nào “Bó tay cam chịu, chấp nhận thực tại phũ phàng” không?

Như đã thấy, nhà thơ Phạm Đức Nhì đã bôi đậm câu thơ “Nơi ta không còn được thấy bao giờ” và dựa vào câu thơ ấy mà quả quyết là con Hổ đã mất hết ý chí chiến đấu, cam chịu thân phận tù tội của mình. Để biết nhận xét nầy đúng hay là oan cho con Hổ trước hết ta hãy tìm hiểu con Hổ là biểu tượng của cái gì. Trong nhiều nền văn hoá trên thế giới, con Hổ là biểu tượng của đẳng cấp chiến binh, toát lên vẻ đẹp hùng vĩ và sức mạnh.
Trong Tam Quốc Chí, ngũ hổ tướng của nhà Thục là Quan Vũ, Trương Phi, Triệu vân, Hiếu Trung và Mã Siêu là nhưng mãnh tướng bất khuất mà đến nay thế gian vẫn tôn thờ, trong đó Triệu tử Long được phong là Hổ oai Tướng Quân.

Trong truyện Kiều, Từ Hải là bậc anh Hùng mà khi chết cũng chết đứng đã được Nguyễn Du tôn vinh bằng bộ râu của con Hổ: “Râu hùm, hàm én mày ngài/Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao”. Vậy khi nhà thơ Thế Lữ nhốt một con Hổ vào sở thú trong bài thơ của ông thì ông sẽ nhốt con Hổ nào? Chẳng lẽ ông lại đi nhốt con Hổ bạc nhược mất sức chiến đấu hay sao? Hay là ông sẽ nhốt con Hổ biểu tượng của sự cao cả, của bậc anh hùng, của ý chí bất khuất ở trên. Bài thơ cho ta thấy ông đã nhốt con Hổ “Oai linh rừng thẳm” là con Hổ mang đầy đủ biểu tượng của một anh hùng. Kinh nghiệm cho ta thấy không có con vật hoang dã nào, dầu con chim, con sóc cũng không chịu nằm yên trong lồng huống chi là con Hổ. Chỉ trong một phút yếu lòng nhớ rừng xưa con Hổ mới than một câu tưởng như là nó đã bị thuần hoá: “Nơi ta không còn được thấy bao giờ”, nhưng thật ra thế giới bên trong của Hổ vẫn ngùn ngụt ngọn lửa bất khuất. Ngọn lửa đó thể hiện ở chổ nó nhớ rừng da diết, nó khinh thường “những cảnh sửa sang tầm thường, dả dối” và nó khinh không chịu “ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi/ với cặp báo chuồng bên vô tư lự”. Hổ đang bị thúc thủ nên nó phải than vãn, nhưng nó đang chờ thời cơ để vùng dậy.
-Thứ Hai: Làm sao biết con Hổ nếu được tự do sẽ chuyên chế, độc tài, hiếp đáp thần dân mình?

Ở trên ta thấy rằng nhà thơ Phạm Đức Nhì đã dùng nhưng câu thơ “Trong hang tối mắt thần khi đã quắc/ Là khiến cho mọi vật đều im hơi/Ta biết ta chúa tể của muôn loài” để kết tội cho Hổ của Thế Lữ là con vật xấu xa, là bạo chúa. Thật ra ba câu thơ trên biểu hiện tác phong, uy vũ của một minh quân. Nếu vua mà không có uy vũ nầy thì làm sao trị quốc bình thiên hạ cho được. Ở đây ta để ý hai chữ “mắt thần”. Mắt thần đương nhiên không phải mắt của bạo chúa mà “mắt thần” là mắt của bậc công chính. Khi “mắt thần”đã quắc thì uy lực từ chính nghĩa làm cho mọi vật đều im hơi. Nếu là mắt của bạo chúa thì “ở đâu có đàn áp, ở đó có đấu tranh”, sẽ không có sự im hơi bao giờ. Trong nền văn hoá dân gian Việt, hình tượng của con vật hung bạo, tàn ác là con Sói, còn hình tượng của Hổ mang ý nghĩa nhân đạo, quyền uy khiến Hổ sở hửu một phẩm hạnh rất cao để trở thành linh vật của tôn giáo. Vậy khi Thế Lữ đưa con Hổ vào bài thơ là đưa một linh vật có bản chất tốt nên không bao giờ có “cái tính muốn làm bạo chúa đã là máu thịt, đã là bản chất của loài hổ.” như lời kết tội Hổ trong bài viết của nhà thơ Phạm Đức Nhì.
-Thứ ba: Bài thơ “Nhớ Rừng’ có là cái bẫy nguy hiểm không?

Tất cả mọi người khi đọc bài thơ “Nhớ Rừng” đều thấy buồn thương cho con Hổ trong vườn bách thú và lòng tự nhiên phấn khích muốn đạp đổ tất cả để vượt trên cuộc sống bình thường, chật hẹp, tù túng. Nhà thơ Thế Lữ đưa hình ảnh con Hổ bị nhốt trong vườn bách thú không phải để chúng ta đọc xong là buồn chán rủ rượi hay đọc xong là mơ ước chuyện cướp bóc, hành hạ tha nhân. Đây là hình ảnh của thế hệ ông bị 100 năm đô hộ giặc Tây. Con người đọc lời than van da diết của con Hổ “gặm một khối căm hờ trong củi sắt” để không bao giờ chịu làm con Hổ như thế, để đứng lên phá xích xiềng, để được sống như Hổ nơi rừng núi oai linh, hùng vĩ ngày xưa. 
Mấy ai trong chúng ta khi đọc xong bài thơ nầy lại muốn mình làm thân phận của con Hổ kia. Vậy thì kết tội bài thơ  như là “Cô gái nhảy ,xinh đẹp mà bị bệnh SIDA” làm lây lan căn bệnh đó khiến cho nhiều thế hệ băng hoại thì thật ra oan khiên quá cho bài thơ, cho Hổ là loài có biểu tượng tốt đẹp và cho thi sĩ là người vì nỗi ray rức cho thân phận nô lệ của mình, của thế hệ mình mà phổ vào thơ, hầu đưa ra một hình ảnh ẩn dụ, để cho người đọc “cảm thụ bằng sự rung động của nhịp tim, kích thích trí tưởng tượng phong phú trong mỗi bộ não …” như lời nhà văn Lê Xuân Quang đã viết.

Vậy “ Nhớ Rừng” tuy là một bài thơ chất chứa tâm trạng tủi nhục của con Hổ trong vườn bách thú nhưng nó không phải là một bài thơ tiêu cực, mà là một bài thơ tích cực, phơi bày sự giả tạo, buồn chán của kiếp sống nô lệ tù tội, khôn khéo trong hoàn cảnh cấm đoán ngôn luận trong thời Pháp thuộc để khích động tinh thần yêu nước, khiến cho cả thế hệ nhìn Hổ  mà ngẫm đến mình, đứng lên phá vòng cương toả.
Hình như giai đoạn sau nầy nhà thơ Thế Lữ còn làm những bài thơ đấu tranh cụ thể hơn, tích cực hơn nhưng rồi ngày nay đã mai một hết, chỉ “Nhớ Rừng” vẫn còn vang bóng . Điều đó chứng tỏ “Nhớ Rừng” là bài thơ đúng đắn nên đã sống và còn sống lâu dài. Nó sống thì nó không phải là một con bệnh SiDA được, và khi  “Nhớ Rừng” sống thì chứng tỏ con Hổ của “ nhớ Rừng”, của Thế Lữ không một khuyết điểm nào nên nền văn học đã nuôi nấng nó ./.   
                                                     Châu Thạch  

 Bài 4: LẠI TÁN CHUYỆN NHỚ RỪNG

   (Viết sau khi đọc Vài Lời Biện Hộ Cho Nhớ Rừng

             Thơ Thế Lữ (1) Của Châu Thạch)

Bắt Đầu Từ Một Ẩn Dụ
Có dạo đọc đi, đọc lại mấy bài thơ “mới” (từ một trang web luôn hô hào làm mới thơ) mà chẳng hiểu tác giả muốn nói gì, càng đọc càng thấy tối mù. Hơi bực bội nên nổi hứng viết bài thơ dưới đây:

Tấm Bản Đồ Vẽ Sai
(Chức năng truyền thông của thơ)

Chọn lô đất tốt xây được ngôi nhà mới
ông mở tiệc mừng tân gia
“Đến chơi! Hay lắm!”
thư ông viết
mời bằng hữu gần xa

Ngay giữa trang thư một bản đồ
dọc ngang tự tay ông vẽ 
và lời chỉ dẫn cặn kẽ
đường đi nước bước đến cuộc vui

Giờ hẹn đến rồi
chưa thấy bóng khách mời nào xuất hiện
đồ ăn nguội lạnh
bàn tiệc vẫn vắng tanh

Vài ngày sau
ông nhận được mấy thư trả lời
trong thư chỉ vỏn vẹn:
“Xin lỗi!
Không tìm thấy nhà.”

(Phạm Đức Nhì)
Nếu giải mã phép ẩn dụ thì bài thơ có ý nghĩa như sau:

Bài thơ là tấm bản đồ bằng chữ chỉ đường, từng bước, từng bước đưa dẫn người đọc đến cánh cửa trái tim đang mở rộng của tác giả. Những lời chỉ dẫn này phải rõ ràng, dễ hiểu, vì nếu rắc rối hoặc mơ hồ, dễ gây hiểu lầm, sẽ khiến người đọc đi lạc đường.

Nếu thi sĩ không nắm vững kỹ thuật thơ ca, không có ý tứ mới lạ, hoặc lúc không có hứng cũng cố gượng gạo mà viết, thì sẽ được một bài thơ… dở, không có hồn. Nhưng nếu chức năng truyền thông của bài thơ thất bại thì tất cả câu chữ, hình ảnh, âm thanh, biện pháp tu từ … đều đổ xuống sông, xuống biển hết. Nó sẽ trở thành một câu đố bí hiểm mà chỉ chính người tạo ra nó mới có câu trả lời. Ai xui xẻo đọc phải bài thơ này thì cứ như đi vào rừng rậm trong đêm tối, chẳng biết mình đang ở chỗ nào và sẽ đi về đâu.

Viết xong bài thơ tôi khoái chí gởi ngay cho một người bạn – không làm thơ nhưng biết thưởng thức thơ và đặc biệt “bàn thơ” rất có nét – và được hắn lên tiếng khen ngợi: “Phép ẩn dụ rất khéo và có duyên.” Tôi lưu bài thơ vào folder Những Bài Thơ Về Thơ để một ngày đẹp trời nào đó sẽ viết một bài bàn về nhiều khía cạnh của thi ca mà những bài thơ này sẽ là những minh họa đắt giá. Hơn một năm trôi qua, Những Bài Thơ Về Thơ đã gần đến con số 20 nhưng bài viết tôi đặt vào đó rất nhiều tâm huyết vẫn chưa hoàn thành.

Tháng trước, một buổi chiều cuối tuần, mấy người bạn tụ họp, cà phê cà pháo bù khú đủ chuyện trên trời dưới đất, tôi hí hửng đem bài thơ ra khoe. Nghe xong, trong lúc mọi người đang gật gù suy nghĩ để tứ thơ thấm vào hồn thì một anh bạn vừa cười vừa to tiếng nói với tôi:
“Sao ông lại có mấy thằng bạn ngu thế nhỉ! Phone đâu mà không gọi hỏi đường?”
Tôi ngồi đực mặt, ngượng đến chín người.
Đúng vậy! Bài thơ của tôi là một ẩn dụ mà tôi đinh ninh là hay và sâu sắc. Nhưng câu hỏi của anh bạn đã “chọc” đúng vào khe hở của nó mà đến lúc đó tôi mới nhận ra. Ẩn dụ không kín kẽ và bài thơ, có thể nói là thất bại. Cuối cùng, đành phải chữa cháy bằng cách thêm vào bên dưới tựa bài thơ một câu “Vào cái thời mà điện thoại còn là xa xỉ phẩm đối với nhiều người Việt Nam”. Nhưng mấy người bạn khó tính vẫn lắc đầu và bài thơ cho đến giờ cũng còn “nằm xó bếp”.

Thế Lữ, trong Nhớ Rừng, đã phạm một lỗi lầm tương tự. Ông gởi tâm sự của mình vào con hổ trong vườn bách thú. Trong lúc mê say với vẻ đẹp đầy sức mạnh, uy quyền và oai phong lẫm liệt của nó, ông quên một điều: con hổ là Chúa Sơn Lâm, một đấng Quân Vương nơi rừng núi nhưng lại là một thứ Chúa Sơn Lâm vô cùng độc đoán và tàn bạo. Ngay cả anh Châu Thạch, người ra sức bênh vực cho ông, có lẽ cũng quên, nên đã lên tiếng hỏi:  Làm sao biết con Hổ nếu được tự do sẽ chuyên chế, độc tài, hiếp đáp thần dân mình?
Khi con hổ được tự do nó sẽ đi đâu? Chắc chắn nó sẽ về với thần dân của nó nơi rừng sâu núi thẳm. Thần dân của nó là ai? Là trâu bò, hươu nai khỉ dê heo chó, các loài chim … nghĩa là đủ mọi loại súc vật hoang dã. Mỗi ngày, để thỏa mãn nhu cầu bao tử, nó sẽ không họp “hội đồng rừng” một cách dân chủ để tìm giải pháp mà tự động đi kiếm mồi. Gặp trâu nó vồ trâu, gặp bò nó xé xác bò. Hôm qua ăn bò rồi hôm nay muốn đổi món thì nó tìm bắt dê. Ôi! Muốn giết ai thì giết. Muốn ăn thịt ai thì ăn. Đối xử với thần dân của mình như thế mấy từ “độc đoán, độc tài, tàn bạo” theo tôi, còn quá nhẹ.

Trong TBĐVS tôi tạo ra một khung cảnh xã hội có những vị khách đi lạc đường vì lần theo tấm bản đồ vẽ sai – ám chỉ có những độc giả đọc phải bài thơ mà chức năng truyền thông thất bại nên chẳng hiểu gì cả. Tôi không để ý nên quên một chi tiết quan trọng: điện thoại di động. Những chiếc cell phones - thời buổi này hầu như người nào cũng có - khiến đoạn kết của bài thơ trở nên ngờ nghệch và câu chữ của cả bài thơ rã ra như cám. Cũng tương tự như vậy, tính độc đoán, bạo tàn là bản chất của con hổ, đã thấm vào xương cốt của nó, giống như vi khuẩn HIV của chứng bịnh SIDA tiềm ẩn trong người cô gái đẹp. Thế Lữ không để ý nên đã “quên”, đem cô gái giới thiệu cho Nguyễn Tường Tam
Tôi không tin Thế Lữ muốn ám chỉ NTT - chủ soái của Tự Lực Văn Đoàn mà ông là thành viên - là một thủ lãnh độc tài, độc đoán, bạo tàn. Chính sơ hở của phép ẩn dụ đã đưa người đọc đến kết luận ấy.

Ngoài ra Nhớ Rừng còn có một mâu thuẫn về ý chí vượt thoát tìm tự do của con hổ. Tôi không tin là con hổ - với dòng máu kiên cường trong huyết quản - chấp nhận buông tay cam chịu tù đày đến hết đời. Là con người, hiểu rõ số phận và thực trạng của con hổ lúc đó, nên Thế Lữ đã vô ý nhưng rất chân thành cho con hổ thốt lên những lời than tuyệt vọng: “Nơi ta không còn được thấy bao giờ”. Ở đây chúng ta có 2 con hổ:
     1/ Con hổ thực trong vườn bách thú: khao khát tự do, nhớ rừng da diết, khinh “những cảnh sửa sang tầm thường giả dối”, không muốn “ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi/ với cặp báo chuồng bên vô tư lự” và vẫn đang chờ thời cơ để vùng thoát. (Chữ nghiêng là ý của Châu Thạch)
     2/ Con hổ trong tâm tưởng của Thế Lữ: vẫn là con hổ trong vườn bách thú như con hổ trên; vẫn khao khát tự do, vẫn nhớ rừng da diết … Chỉ khác một điều là Thế Lữ biết số phận của con hổ vào thời điểm đó trong vườn bách thú - phải chịu tù đày cho đến chết - nên đã ép đặt vào miệng nó những lời than tuyệt vọng, trái với bản tính kiên cường của loài hổ.

Khi đọc TBĐVS người tinh ý có thể nhận ra ngay khe hở của phép ẩn dụ. Tôi, tác giả bài thơ, và người bạn khen (lầm) bài thơ có “Phép ẩn dụ rất khéo và có duyên” đã phải cúi đầu nhận sai sót. Bởi nó quá rõ ràng, có muốn cãi, muốn bênh vực cũng chẳng có cách nào.
Nhớ Rừng có đến hai cái “sót”. Một do sơ hở của phép ẩn dụ, một do tác giả trong lúc cao hứng, hồn thơ lai láng, đã “quá thật tình” đặt lên miệng con hổ một tiếng thở dài não nuột, một lời than tuyệt vọng không đúng với bản chất “hổ” của nó.

Mấy bạn văn của tôi đều cho rằng Thế Lữ không có ý như thế. Điều ấy đúng. Nhưng ông là người tổ chức thế trận chữ nghĩa cho bài thơ. Người đọc không có bổn phận – và cũng không thể - đọc những suy nghĩ trong đầu ông. Họ chỉ dựa vào văn bản, dựa vào khả năng chuyển tải thông tin của câu chữ để “bắt” tứ thơ, để cảm nhận cái hay, cái đẹp của bài thơ. Chính ông, chứ không ai khác, dù “sơ sót” vì bất cứ lý do gì, phải chịu trách nhiệm về “hai cái bẫy nguy hiểm của Nhớ Rừng”
Bên cạnh hai điểm “sai sót” nói trên NR còn có một chỗ yếu về âm điệu: hội chứng nhàm chán vần. Bài thơ dài (47 câu), mỗi câu 8 chữ đều đặn (có một câu 10 chữ), vần gieo liên tiếp nên chỉ đọc non nửa bài là cái giọng ầu ơ, cái nét đơn điệu, tẻ nhạt đã hiện ra rất rõ, càng về cuối càng nặng nề.

Bù lại, cái hay của Nhớ Rừng lại rất “lớn”, nếu đề cập hoặc bàn luận thì chỉ cần một vài câu, nhưng – như những cánh én báo hiệu mùa xuân – những ưu điểm “cao cấp” này thường xuất hiện để báo hiệu một bài thơ Hay, Có Hồn. Đó là cảm xúc mạnh, nóng bỏng, hơi thơ dài như một con sông, dòng chảy xiết. Đặc biệt, từ câu thơ đầu cho đến câu thơ cuối cùng, cường độ và “nhiệt độ” của cảm xúc vẫn không suy giảm, dòng chảy của thơ vẫn băng băng. Ngoài ra, ngôn ngữ của Nhớ Rừng cao sang, thích hợp với khẩu khí Chúa Sơn Lâm của con hổ. (2)
Tóm lại, con hổ trong tâm tưởng của Thế Lữ được thi tài của ông chuyển đến người đọc là một hình tượng thơ rất đẹp: kiêu hùng, uy quyền, oai phong lẫm liệt, rất khao khát tự do, thèm và thường mơ được trở về rừng xưa núi cũ. Nhưng bên dưới cái vẻ đẹp bề ngoài ấy là hai tính xấu: mơ về lại núi rừng để hưởng địa vị của một Chúa Sơn Lâm độc đoán, bạo tàn nhưng lại hèn, bó tay cam chịu, không dám nghĩ đến kế hoạch và hành động vượt thoát.

Kết Luận
Để kết luận tôi xin phép lập lại một ý trong bài Không Sợ Thừa - Chỉ Sợ Quá Muộn: Nhiều người Việt Nam không phải chỉ mới nhiễm HIV mà chứng bệnh SIDA Nhớ Rừng - cả loại 1 lẫn loại 2 - đã phát tác, đã tàn phá, không chỉ thể xác mà luôn cả tâm hồn họ và có thể đã lây lan đến thế hệ trẻ sau này.
Cô gái mắc bệnh SIDA càng đẹp, càng sexy thì cơ hội lây bệnh cho người khác càng nhiều. Là bài thơ Hay, Có Hồn nên (xin cảnh báo một lần nữa) hai cái bẫy của Nhớ Rừng vẫn vô cùng nguy hiểm.

Phạm Đức Nhì
nhidpham@gmail.com

Chú Thích:


2/ Có một câu không hợp với khẩu khí của con hổ:

          Nơi ta không còn được thấy bao giờ