Thứ Bảy, 28 tháng 10, 2017

KHẬP KHIỄNG HAY KHÔNG KHẬP KHIỄNG?

                                     
                  (Về bài viết Hai Bài Thơ Quê Hương – Hai Tâm Tình Khác Biệt của Châu Thạch)

Từ Một Bình Luận Trên Facebook

Mới đây nhà phê bình Châu Thạch có bài bình thơ Hai Bài Thơ Quê Hương - Hai Tâm Tình Khác Biệt đăng trên FB và vài trang web văn học. Hai bài thơ đó là Bài Học Đầu Cho Con của Đỗ Trung Quân và Quê Hương của Nguyên Lạc. CT đã nương theo tứ thơ để cảm nhận và sau đó, bằng văn tài sở trường của mình, diễn đạt một cách mạch lạc và bay bướm, tâm tình của hai tác giả.

Lang Bạt, một bạn đọc Facebook đã viết một bình luận khá dài dưới bài viết Về Cách Hành Xử Của Một Nhà Bình Thơ của Nguyên Lạc trên FB, trong đó có câu: “Việc đem bài thơ Quê Hương (của Nguyên Lạc) để so sánh với (bài thơ của) Đỗ Trung Quân thật là khập khiễng.” (Mấy chữ trong ngoặc đơn là của PĐN) (1). Ý chị muốn nói giá trị nghệ thuật của hai bài thơ cách biệt quá xa, đặt cạnh nhau để so sánh rất khập khiễng, không cân xứng.

Bình luận của chị Lang Bạt đúng hay sai? Nói khác đi, đặt hai bài thơ Quê Hương của Nguyên Lạc và Đỗ Trung Quân cạnh nhau để so sánh có khập khiễng không? Tôi không phải là người “ba phải” nhưng đọc bình luận của chị không hiểu sao lại nghĩ ra hai câu trả lời trái ngược nhau. Dĩ nhiên, có lý do để tôi nẩy ra ý nghĩ trái khoáy như thế. Xin viết ra đây như một câu chuyện văn chương để bạn đọc thưởng thức, và nếu có nhã hứng, góp ý hay bình luận.

Câu Trả Lời Dựa Vào Bài Viết Của Châu Thạch

Bình thơ là giúp người đọc trả lời 3 câu hỏi. What? (Viết gì?), How? (Viết thế nào?), và When? (Viết trong tâm cảnh nào?). CT không những đã trả lời mà còn tán rộng ra, và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đề ra cho bài viết của mình qua tiêu đề Hai Bài Thơ Quê Hương – Hai Tâm Tình Khác Biệt.

Tuy nhiên, đọc bài viết thật kỹ tôi nhận thấy Châu Thạch không nói gì đến hai câu hỏi sau mà chỉ đặt trọng tâm câu trả lời của mình – là bài viết - ở câu hỏi thứ nhất. Khi lờ đi hai đặc tính quan trọng nhất để phân biệt  thơ với văn, anh tuy gọi chúng là “Hai Bài Thơ” nhưng thật ra, đã đối xử với chúng như là hai đọan văn, hai công cụ chuyển tải thông tin không hơn không kém.

Chỉ nói đến chức năng truyền thông mà lờ hẳn đi chức năng nghệ thuật – tính thơ của bài thơ và tài thơ của thi sĩ - thì một tuyệt tác thi ca có khác gì một bài thơ của một người mới tập tành chọn chữ, so vần.

Chính vì thế, trong bài viết của Châu Thạch, “hai bài thơ” đặt cạnh nhau rất cân bằng và bình thường, chẳng có gì là khập khiễng hết.

Câu Trả Lời Dựa Vào Nghệ Thuật Thơ Của Hai Bài Thơ

Đây không phải là những bài bình thơ “trường lớp” theo đúng trình tự một cách bài bản. Tôi sẽ chỉ đi thẳng vào những chỗ hay, chỗ dở rồi tổng hợp để bạn đọc hình dung được giá trị nghệ thuật của bài thơ một cách tương đối. Riêng phần tứ thơ, anh Châu Thạch đã phân tích và bàn luận quá kỹ nên tôi sẽ không nói tới nữa, trừ trường hợp thật cần thiết.

Bài Học Đầu Cho Con Của Đỗ TRung Quân

     1/ Đoạn Thơ Quá Xạo

Nói đến bài thơ nổl tiếng này của Đỗ Trung Quân người đọc thơ sành điệu chắc khó có thể quên một đoạn thơ “xạo hết ga” của nhà thơ gốc Thanh Niên Xung Phong:

Quê hương là gì hả mẹ?
Mà cô giáo dạy phải yêu
Quê hương là gì hả mẹ?
Ai đi xa cũng nhớ nhiều.

Với cái tựa Bài Học Đầu Cho Con, đoạn thơ là hai câu hỏi của đứa bé mới học lớp vỡ lòng hỏi mẹ sau khi được cô giáo dạy bài học đầu tiên. ĐTQ đã vô ý đặt 2 câu hỏi quá nặng ký vào miệng đứa bé mới 4, 5 tuổi. Độ xạo của đoạn thơ rất cao, nhưng rất may, theo tôi, không ăn sâu, bắt rễ vào tứ thơ nên chỉ là lỗi kỹ thuật, có thể bỏ đi hoặc sửa chữa khá dễ dàng. 

     2/ Thể Thơ Và Hội Chứng Nhàm Chán Vần 

ĐTQ cho biết (2) BHĐCC có 2 lần được chính thức in ấn: Nguyên bản được chính thi sĩ phổ biến năm 1991 trong tập Cỏ Hoa Cần Gặp gồm 9 đoạn và phiên bản đăng trên báo Khăn Quàng đỏ năm 1986 được chị Việt Nga biên tập (bỏ 3 đoạn) còn 6 đoạn.Theo tôi, còn một phiên bản nữa; đó là lời của ca khúc Quê Hương do Giáp Văn Thạch phổ nhạc từ phiên bản năm 1986 (bỏ thêm 2 đoạn) còn 4 đoạn.

Bài thơ viết theo thể thơ 6 chữ, trường thiên, nhiều đoạn, mỗi đoạn 4 câu.

          a/ Nguyên bản: Gồm 9 đoạn, đọc đến mấy đoạn cuối đã chớm hội chứng nhàm chán vần.  
          b/ Phiên bản năm 1986: Chưa có HCNCV  
          c/ Lời bản nhạc Quê Hương của GVT: Không có HCNCV.

     3/ Ngôn ngữ thơ: tượng hình, đẹp một cách bình dị, nhiều đoạn như là những bức tranh thơ.

     4/ Cái Siêu Của Bài Thơ

Chắc bạn đọc đã nghe nói “thi trung hữu họa” - có nghĩa là trong thơ có họa. Những câu thơ loại này thường được đánh giá cao vì có thể thấm nhập vào tâm hồn người đọc một cách tương đối dễ dàng. Người đọc rất ít phải dùng đến lý trí để “bắt” tứ thơ.

Thí dụ:  
                               
Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông.
(Áo Lụa Hà Đông, Nguyên Sa)

Hình ảnh chàng trai sánh bước bên người yêu của mình mặc áo lụa Hà Đông giữa nắng Saì Gòn làm 2 câu thơ rất dễ hiểu, có thể đi vào lòng người đọc dễ dàng. Đó là nhờ tác dụng của “thi trung hữu họa”.

Một thí dụ khác:

Tôi đứng bên này sông
Bên kia vùng địch đóng
Làng tôi đấy xạm đen màu tiết đọng
Tre cau buồn tóc rũ ướt mưa sương
(Nhà Tôi, Yên Thao)

Nhờ “thi trung hữu họa”, tác giả không cần dài dòng giải thích mà người đọc vẫn thấy – qua 4 câu thơ -khung cảnh chính làm nền cho bài thơ: Ngôi làng của người lính bên kia sông, đã bị quân địch chiếm đóng “xạm đen màu tiết đọng, tre cau buồn tóc rũ ướt mưa sương”, hiện ra rõ mồn một.

Thi sĩ viết được những câu thơ “thi trung hữu họa” như trên đã được coi là cao tay. Nhưng có những câu thơ còn cao tay hơn nữa, cao đến mức siêu đẳng. Chúng ta thử đọc hai câu dưới đây:

Lạc hà dữ cô vụ tề phi
Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc
(Đằng Vương Các Tự, Vương Bột) (3)

Dịch nghĩa:

Ráng chiều rơi xuống cùng cánh cò đơn chiếc đều bay
Làn nước sông thu với bầu trời kéo dài một sắc
(Trần Trọng San)

Ở đây không phải chỉ trong thơ có họa mà ngôn ngữ thơ đã hoàn toàn tan biến để hóa thân thành bức tranh tuyệt đẹp. Câu thơ “siêu” như thế này sẽ tự động thấm vào hồn người đọc mà không cần đến một mảy may sự “gạn đục khơi trong” của lý trí.

Trong kho tàng thi ca của Việt Nam những bài thơ đạt được mức “siêu” như thế cực hiếm. Tôi tạm thời chỉ có thể đề cử bài Ông Đồ của Vũ Đình Liên. Bài thơ 5 đoạn thì có 4 đoạn đạt mức siêu tuyệt “thi hóa thân thành họa” (trừ đoạn cuối) (4)

Bài Học Đầu Cho Con của ĐTQ cũng có mấy đoạn siêu tuyệt như thế. Khi phổ nhạc GVT đã bỏ đoạn đầu và thay cái tựa. Việc làm rất tinh khôn này đã chữa được chứng bệnh xạo của bài thơ. Sau đó ông lại còn mạnh tay cắt bỏ 2 đoạn khác, thay 2 câu cuối đoạn 4 bằng 2 câu đầu đoạn 5 (5) để ca khúc Quê Hương của ông trở thành một bộ tranh thơ về quê hương tuyệt đẹp. Với bộ tranh thơ đó ông đã giúp ĐTQ tâm tình với khán thính giả bằng Tiếng Người Chân Thật (6).

Tuy chỉ có hai câu nhưng vì là tranh thơ nên “Lạc Hà Cô Vụ” đã được người Trung Hoa xem như một viên ngọc quý giá trong kho tàng văn học của nước họ. Để có được viên ngọc quý đó người Trung Hoa đã phải “đãi cát tìm vàng”, phải sục sạo cả bài Đằng Vương Các Tự hàng trăm câu mới tuyển được hai câu nổi tiếng đó. 

Trong khi Quê Hương của ĐTQ và GVT là cả một bộ ngọc 6 viên nằm lồ lộ trước mắt người thưởng ngoạn một cách nghệ thuật. Nói như thế để thấy tài thơ trác tuyệt của ĐTQ và công lao to lớn của GVT. Dĩ nhiên, có cả một chút tự hào về Thi Ca của nước nhà khi so sánh với Thi Ca Trung Hoa.

     5/ Cảm Xúc 

Có người đặt câu hỏi “Phải chăng với 6 bức tranh thơ, ĐTQ đã bước tới cảnh giới của một thiền sư đạt đạo – cho cái tiểu ngã của mình hòa nhập với cái đại ngã của vũ trụ?” Tôi không nghĩ như vậy.

Chúng ta thử đọc bài thơ Yên Hà Xứ của thiền sư Viên Minh:

YÊN HÀ XỨ

Đáo tận yên hà xứ
Hồi đầu biệt nhất phương
Mục tiền sơn thủy hạo
Nguyệt hiện thảo đầu sương

Dịch thơ:

Thong dong tận cõi mù sa
Quay đầu nhìn lại yên hà một phương
Nước non hùng vĩ thân thương
Lung linh trăng hiện giọt sương đầu cành.


Ở đây thiền sư mới đúng là đã “vất bỏ mọi tư ý tư dục để cái ngã của mình hòa nhập với vũ trụ - Thiên Địa Nhân hợp nhất. Đây có thể coi như một chứng đạo ca, một bài thơ thiền của người đạt đạo.

ĐTQ đặt trọn tâm tình của mình vào một không gian nhỏ bé hơn: khung trời quê hương. Tâm tình ấy lớn quá, sâu đậm quá nên đã lấn át và loại bỏ tất cả những “ý, dục” khác để có thể “độc quyền”hóa thân vào những bức tranh quê tuyệt đẹp. Tuy nhiên, ĐTQ vẫn khác vị thiền sư một chút; tâm cảnh của thi sĩ vẫn có tư ý, tư dục; đó là tấm tình tha thiết của anh đối với quê hương, đất nước. Chút khác biệt ấy, tùy căn cơ, có thể chỉ một tầm tay với, nhưng cũng có thể mù xa vạn dặm. 

     6/ Đoạn Cuối Quá Dở

Riêng đoạn cuối, tôi xin bỏ qua những bàn cãi có tính chính trị, để chỉ nói đến hiệu ứng văn chương.
Ngay khi câu thơ:

Quê hương mỗi người chỉ một

xuất hiện, lý trí đã quay lại để làm nhiệm vụ của nó (xem có đúng là “mỗi người chỉ một” không), và cuộc đối thoại bằng Tiếng Người Chân Thật đã chấm dứt. Tôi cho đoạn cuối dở là dở ở chỗ đó.

Là nguời thích bóng đá, tôi tưởng tượng ĐTQ - với đôi mắt tinh đời, chuyên nghiệp của mình - đã đi khắp nơi chiêu mộ được một dàn cầu thủ sáng giá. Nhưng phải chờ đến Giáp Văn Thạch - người có đôi mắt sắc sảo hơn – đã sàng lọc, tuyển lựa, mạnh dạn loại bỏ một số cầu thủ rất giỏi nhưng không hợp với đấu pháp mới của ông, Quê Hương (tuy vẫn còn một chút khiếm khuyết) đã trở thành một đội tuyển lừng danh, có thể so tài với bất cứ đội tuyển nào trên thế giới.

Quê Hương của Nguyên Lạc

Bài thơ Quê Hương của Nguyên Lạc có một số đặc điểm sau:

     1/ Có một số câu thơ riêng, tâm trạng khác biệt, mới lạ, làm vẻ đẹp của khung trời QH thêm sống động phong phú, tình yêu quê hương thêm chút cay đắng, oán trách, gây thích thú cho độc giả.

Thí dụ:

Quê hương làm sao không nhớ?
Dòng sông tuổi trẻ mênh mang
Bần de. phóng đùng. nước mát
Lặn tìm. chân bắt. la vang
Bờ sông. chị khàn tiếng gọi
Vết roi cha đánh. tím bầm!

Và:

Quê hương ta ơi... đừng nhớ!
Muộn phiền, cay đắng mà thôi!

Cố quên, sao lòng vẫn nhớ!
Quê hương nhớ lắm... người ơi!

     2/ Sinh sau đẻ muộn: 

Quê Hương của Nguyên Lạc được sáng tác sau BHĐCC của ĐTQ trên ba chục năm. Thường thì bài thơ ra đời sau hay bị xếp ở hạng dưới nếu có điểm gì đó giống bài thơ ra đời trước. Lý do: Trong thơ sự sáng tạo (ra cái mới) được khuyến khích tối đa. 

Trong một đoạn trao đổi với Châu Thạch, Nguyên Lạc đã công nhận là viết bài thơ Quê Hương để trả lời ĐTQ, bày tỏ một vài điểm khác biệt trong tâm trạng của mình. Anh đã đạt được mục đích đó, nhưng đổi lại, ngay trong việc chọn đề tài, thể thơ, âm điệu, nhịp điệu, hình ảnh, bài thơ Quê Hương của anh như một cô gái đẹp lại chấp nhận cái kiếp lấy chồng chung, chấp nhận thân phận lẽ mọn vì là “kẻ đến sau”. Chỉ riêng điểm đó đã giảm giá trị của cô gái, và giải mã ẩn dụ, giảm giá trị của bài thơ khá nhiều.

     3/ Bài thơ của NL dài đến 76 câu, thể thơ 6 chữ, âm điệu và nhịp ngắt đều đều, nên mặc dù có thay đổi cách gieo vần – lúc liên tiếp, lúc gián cách, có cả lúc lạc vận - hội chứng nhàm chán vần của bài thơ vẫn khá nặng.

     4/ Bài thơ nhất khí liền mạch, có sóng sau dồn sóng trước theo dòng chảy của tứ thơ để cảm xúc tầng 3 - cảm xúc cao cấp nhất –  xuất hiện, nhưng do ý tưởng hơi bề bộn, thế trận chữ nghĩa xộc xệch nên dòng cảm xúc đó không đủ lớn mạnh để hình thành hồn thơ.

Quê Hương của ĐTQ và GVT là một bản nhạc có lời thơ siêu tuyệt - một bộ 6 bức tranh thơ đẹp một cách bình dị. Người đọc lặng ngắm 6 bức tranh thơ ấy sẽ có cảm giác thật mới lạ: Được thấy tâm tình yêu quê hương say đắm của tác giả tự động thấm nhập vào hồn mình, hoàn toàn tránh khỏi sự can thiệp của lý trí. ĐTQ, bằng tài thơ của anh, cộng thêm sự giúp sức của GVT, đã để lại cho đời một tuyệt phẩm kết hợp cả Thơ Nhạc Họa. Tuyệt phẩm ấy đã cho phép tác giả và độc giả được giao tiếp với nhau bằng tiếng Người Chân Thật mà vì sức cuốn hút của cuộc sống, đã quên mất từ lâu.

Quê Hương của Nguyên Lạc cũng là một bài thơ hay. Ngôn ngữ bình dị, đậm mùi Nam Bộ, cảm xúc dạt dào, tâm trạng phức tạp, so với BHĐCC của ĐTQ lúc chưa được phổ nhạc cũng đã nhiều phần bề bộn chữ nghĩa hơn. Nói theo ngôn ngữ bóng đá, NL cũng đi khắp nơi chiêu mộ cầu thủ nhưng anh tham quá. Trong số những cầu thủ anh đưa về có nhiều người giỏi, nhưng cũng có một số chỉ ở mức độ khá. Hơn nữa, trong số những cầu thủ giỏi lại có một số đá trùng vai (vị trí) nên việc gạt bỏ ít nhất 75% cầu thủ để có một đội tuyển hùng mạnh lại vượt quá khả năng của Nguyên Lạc.

Bởi thế Quê Hương của Nguyên Lạc, theo tôi, rất cần một Giáp Văn Thạch, nhưng nhạc sĩ tài hoa đã không còn nữa. Trong số nhạc sĩ đương đại của Việt Nam có thể cũng có người có khả năng “chặt đông chém tây” để bài thơ Quê Hương của Nguyên Lạc thon gọn tới cái vóc dáng tối ưu của nó. Nhưng để người tài hoa gặp, rồi phải lòng với bài thơ, còn cần một chút duyên. Mà ngay cả khi đã có chút duyên ấy, thành phẩm đem so với với Quê Hương của ĐTQ và GVT về giá trị nghệ thuật cũng còn một khoảng cách rất xa.

Tóm lại, bình thơ kiểu Châu Thạch, thơ chỉ là công cụ chuyển tải thông tin, chỉ khác nhau ở Ý, Tứ, còn thì bài nào cũng như bài nấy, đặt cạnh nhau chẳng có gì là khập khiễng hết.

Còn nếu xét về Nghệ Thuật Thơ, câu bình luận “khập khiễng” của Lang Bạt trong trường hợp này đúng sai thế nào, bạn đọc chắc đã tự tìm được câu trả lời.

Kết Luận

Nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc, trong bài Nghĩ Về Viết Lách: Phê Bình Cần Có Chủ Kiến đã viết:  
Đánh giá cuốn sách này hay ư?
— Chuyện nhỏ!
Đánh giá tác giả kia viết hay ư?
— Cũng chỉ là chuyện nhỏ!
Cái lớn nằm ở đằng sau cái gọi là “hay” ấy.
Và đằng sau cái gọi là “hay” ấy chính là chủ kiến.

               XXXXXXXXXXXX

Nhà phê bình nào cũng cần có chủ kiến. Không có chủ kiến, tưởng là khách quan, nhà phê bình chỉ làm nô lệ cho truyền thống và theo đuôi quần chúng. Hắn có thể diễn đạt hay; nhưng cái hay ấy chỉ nhằm củng cố những điều mọi người đã biết. Quanh quẩn trong sân chơi của những cái-đã-biết, hắn rất dễ nhận được những tràng pháo tay, nhưng đó là những tràng pháo tay tống tiễn hắn vào cõi quên lãng.

Nhà phê bình phải có chủ kiến. Chính tính sáng tạo và độ quyết liệt trong chủ kiến sẽ là một trong những tiêu chí chủ yếu để đo lường tầm vóc một nhà phê bình.

Châu Thạch là người rất nặng lòng với thi ca và bình tán thơ rất có duyên, nhưng trong các bài bình thơ của anh, theo tôi, còn thiếu một quan niệm thẩm mỹ, một số nguyên tắc có tính lý thuyết mà NHQ gọi là chủ kiến, để làm chỗ dựa cho những lời bình phẩm.

Nếu Châu Thạch bổ túc đuợc điều thiếu sót đó thì tôi tin anh sẽ tiến rất xa trên đường đi tìm cái đẹp của thơ – con đường đã lấy của anh rất nhiều thời gian, công sức, nhưng bù lại, đã đem lại cho anh nhiều niềm vui và hứng thú.

Phạm Đức Nhì
phamnhibinhtho.blogspot.com

CHÚ THÍCH:

2/ Nhà Thơ Đỗ Trung Quân Và Ca Khúc Quê Hương, Mặc Lâm
4/ Ông Đồ: Những Bức Tranh Thơ
5/ GVT đã bỏ 2 câu của đoạn 4 (phiên bản 1986):

Là hương hoa đồng cỏ nội
Bay trong giấc ngủ đêm hè

rồi lấy 2 câu đầu của đoạn 5, đổi chữ “thềm” thành “hè” để câu thơ khỏi lạc vận:

Quê hương là đêm trăng tỏ
Hoa cau rụng trắng ngoài hè

Hai câu này mới chính là “thi hóa thân thành họa”; còn 2 câu trước - diễn tả mùi hương – nên không thể “nhập” và tan biến vào tranh được. GVT rất tinh và rất tài trong sửa đổi này.

6/ Khi thơ biến thành họa người đọc có thể tiếp nhận nội dung trực tiếp (như xem một bức tranh) mà không cần đến lý trí. Vắng mặt lý trí, “cái tôi văn hóa” sẽ rút lui để nhường chỗ cho “cái tôi đích thực” – tác giả và độc giả có cơ hội giao tiếp với nhau bằng Tiếng Người Chân Thật.

PHỤ LỤC:

1/ Bài Học Đầu Cho Con – nguyên bản (1991)

Quê hương là gì hả mẹ
Mà cô giáo dạy phải yêu?
Quê hương là gì hả mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều?
                                    
Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay

Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng
Quê hương là con đò nhỏ
Êm đềm khua nước ven sông

Quê hương là cầu tre nhỏ
Mẹ về nón lá nghiêng che
Là hương hoa đồng cỏ nội
Bay trong giấc ngủ đêm hè

Quê hương là đêm trăng tỏ
Hoa cau rụng trắng ngoài thềm
Tiếng ếch râm ran bờ ruộng
Con nằm nghe giữa mưa đêm

Quê hương là bàn tay mẹ
Dịu dàng hái lá mồng tơi
Bát canh ngọt ngào tỏa khói
Sau chiều tan học mưa rơi

Quê hương là vàng hoa bí
Là hồng tím giậu mồng tơi
Là đỏ đôi bờ dâm bụt
Màu hoa sen trắng tinh khôi

Quê hương mỗi người đều có
Vừa khi mở mắt chào đời
Quê hương là dòng sữa mẹ
Thơm thơm giọt xuống bên nôi

Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người.


2/ Bài Học Đầu Cho Con – phiên bản 1986

Quê hương là gì hở mẹ 
Mà cô giáo dạy phải yêu 
Quê hương là gì hở mẹ 
Ai đi xa cũng nhớ nhiều 

Quê hương là chùm khế ngọt 
Cho con trèo hái mỗi ngày 
Quê hương là đường đi học 
Con về rợp bướm vàng bay 

Quê hương là con diều biếc 
Tuổi thơ con thả trên đồng 
Quê hương là con đò nhỏ 
Êm đềm khua nước ven sông 

Quê hương là cầu tre nhỏ 
Mẹ về nón lá nghiêng che 
Là hương hoa đồng cỏ nội 
Bay trong giấc ngủ đêm hè 

Quê hương là vàng hoa bí 
Là hồng tím giậu mồng tơi 
Là đỏ đôi bờ dâm bụt 
Màu hoa sen trắng tinh khôi 

Quê hương mỗi người chỉ một 
Như là chỉ một mẹ thôi 
Quê hương nếu ai không nhớ...

3/ Lời của ca khúc Quê Hương.

Quê hương là chùm khế ngọt 
Cho con trèo hái mỗi ngày 
Quê hương là đường đi học 
Con về rợp bướm vàng bay 

Quê hương là con diều biếc 
Tuổi thơ con thả trên đồng 
Quê hương là con đò nhỏ 
Êm đềm khua nước ven sông 

Quê hương là cầu tre nhỏ 
Mẹ về nón lá nghiêng che
Quê hương là đêm trăng tỏ
Hoa cau rụng trắng ngoài hè 

Quê hương mỗi người chỉ một 
Như là chỉ một mẹ thôi 
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người

QUÊ HƯƠNG (NL)

Ôi lịch sử những dòng đời cay nghiệt,
Những tự hào hoá giải với oan khiên.(Trần Kiêm Đoàn)

Quê hương có gì để nhớ
Mà sao nước mắt lưng tròng?

1.
Quê hương. chiếc đò nho nhỏ
Qua sông. kham khổ từng ngày
Thân me vai gầy. gánh khổ
Thương con. chịu nổi đắng cay

Quê hương còn đầy thương nhớ
Ngoại nhai tóm tém trầu cay
Mẹ mày. thằng cháu mất dạy
Rong chơi lêu lỏng suốt ngày

Quê hương làm sao không nhớ?
Cầu tre lắc lẻo sáng mai
Đường vui. trống trường réo gọi
Cây cao. chim hót từng bầy

Chia nhau từng viên đạn nhỏ
Bịt mắt. kiếm tìm. Ai đây?
Chia nhau nỗi lo thầy gọi
Nhói đau. thước khẽ bàn tay
Chia nhau trái me keo ngọt (+)
Chia nhau từng tiếng cười đầy

Quê hương làm sao không nhớ?
Dòng sông tuổi trẻ mênh mang
Bần de. phóng đùng. nước mát
Lặn tìm. chân bắt. la vang
Bờ sông. chị khàn tiếng gọi
Vết roi cha đánh. tím bầm!

2.
Quê hương đỏ màu phượng vĩ
Hè sang. ve sầu khóc vang!
Tạ từ. lời ca ly biệt
Buồn trao lưu bút. lệ tràn!
Biết rồi mùa sau gặp lại?
Hay rồi đôi ngả ly tan!

Quê hương. buồn vui gác trọ
Thả hồn. giọng Khánh Ly khàn
Chia nhau. chút đầu thuốc vụn
Khói bay. theo khúc tình tan

3.
Bao năm đời này vẫn nhớ
Xuân nao. thay đổi phận người!
Bể dâu. biệt ly. mong đợi!
Khổ đau thay thế nụ cười!

” Bàn tay. làm nên tất cả
Sức người. sỏi đá thành cơm ”
Trăm năm. lời này vẫn nhớ!
Bao năm. thắt cổ con người!

Khô cằn. ” thằng Trời. Đảng thế ”
Giờ làm mưa gió được chưa?
” Trăm năm. trồng con người mới ”
Mười năm. đủ dối lòng người!

Bao năm chém tre đẵn gỗ
Bạn bè. chết không nắm mồ!
Mẹ già vượt đồi núi khổ
Thăm con. lệ đổ đôi dòng!
Con ơi. vợ con Kiều đó
Bán thân. lo giúp cho chồng!
Chữ Trinh. thôi đành phụ bạc!
Đoạn trường. con biết hay không?!

4.
Bao năm đời này vẫn nhớ
Đêm thâu. xuôi mái theo dòng
Người đi. không lời từ biệt
Buồn ơi. tím biếc dòng sông!

Quê hương ta ơi. thôi nhé!
Buồn ơi. nước mắt lưng tròng!
Rặng cây quê hương mờ bóng
Có còn gặp lại được không?

5.
Quê hương hoài mong thương nhớ
Cô thân. lưu lạc phuơng người
Chiều nay. nhớ dòng sông ấy
Lục bình hoa tím hoài trôi!

Quê hương ta ơi …đừng nhớ!
Muộn phiền. cay đắng mà thôi!

Cố quên. sao lòng vẫn nhớ!
Quê hương nhớ lắm… người ơi!
Quê hương còn gì để nhớ?
Buồn ơi. nước mắt lưng tròng!

Quê hương sẽ còn để nhớ?
Quê hương đáng nhớ không người?!
Nguyên Lạc                 




Chủ Nhật, 1 tháng 10, 2017

LẠI TRAO ĐỔI VỚI CHÂU THẠCH

                                                     

Mọi chuyện tưởng đã qua. Nhưng dưới bài viết Ba Điều Về “Cái Tâm Đặt Ở Đâu?” của anh Đặng Xuân Xuyến (trên FB ĐXX) anh Châu Thạch có một bình luận khá dài trong đó có hai ý chính liên quan đến tôi. Phần còn lại anh giải thích lý do tại sao anh chọn phương cách Bình Thơ “Chỉ Khen - Không Chê”. Tôi lại phải xin lần lượt trả lời trực tiếp hai ý của anh.

Khía Cạnh Kỹ Thuật Của Vấn Đề

Anh Châu Thạch có nhận xét về bài viết Ghi Chép Từ Cuộc Tranh Luận Đầu Xuân của anh Đặng Xuân Xuyến như sau:

Tôi nghĩ một cuộc tranh luận văn học hay một giai thoại văn học được ghi lại đầy đủ là một việc làm chính đáng và cần có để truyền thông đến với mọi người và lưu lại làm tài liệu chớ sao lại cho là xấu nhỉ. Tôi nghĩ nếu ĐXX không làm việc đó thì cũng có một người khác làm và phải hoan hô họ. Tôi cũng đã từng tổng kết một cuộc tranh luận với đề tài " Về hay không về".

Tôi đồng ý với anh Châu Thạch việc tổng kết một cuộc tranh luận văn học là rất hữu ích - và trong một số trường hợp - cần thiết. Nhưng bài Tổng Kết của anh Đặng Xuân Xuyến có những nét đặc thù như sau:

     1/ Tác giả bài viết đứng hẳn về một phía, tập hợp ý kiến một cách có định hướng nhằm tấn công một người trong khi lẽ ra bài Tổng Kết phải có tính trung lập.

     2/ Được tung ra như một đòn chí tử cuối cùng sau khi đã có lệnh “ngừng bắn”.

     3/ Đưa cả “đội quân ma” vào tham chiến.

Đọc bài viết Ghi Chép Từ Cuộc Tranh Luận Đầu Xuân độc giả không khỏi ái ngại cho tác giả. Không những có lỗ hổng về lý luận văn học, nhân cách, đạo đức mà còn để một chỗ hở rất lớn khi đối diện với luật pháp.

Chỉ xét về khía cạnh kỹ thuật của vấn đề, phát biểu của anh CT vừa phiến diện lại vừa nông cạn. Anh chỉ thấy “cái công việc viết tổng kết” chứ chưa thấy cái “cách viết tổng kết”, khung cảnh, thời gian ra đời của bài tổng kết và sau cùng là “cái gian ý của người viết tổng kết”.

Anh CT kêu gọi mọi người cổ vũ, hoan hô một bài viết như thế chỉ có thể là một trong hai trường hợp:

     1/ Anh không thấy được những nét đặc thù trong bài viết của anh ĐXX - rất khác với một bài tổng kết bình thường.

     2/ Anh thấy và biết rõ hết nhưng vì “cái tình của người cầm bút” nên phải bênh vực tới nơi, tới chốn.

Dù nằm trong trường hợp nào, với tôi, đều cũng rất đáng buồn.


Khía Cạnh Văn Chương

Trong bài Cái Tâm Đặt Ở Đâu? (PĐN) có đoạn:

Nếu chọn kiểu bình thơ “chỉ khen, không chê” thì quả là “an toàn trên xa lộ”. Chọn bài thơ của bạn, người quen, trong đó “bắt ra” vài câu hay rồi nương theo tứ mà tán cho thật khéo, chỗ dở cứ ngoảnh mặt làm ngơ, thì sẽ chẳng sợ mất lòng – có khi còn được uống cà phê, bia bọt đều đều nữa. Hoặc là “Tôi bình bác một bài, bác bình lại một bài. Thế là công bằng và cả hai ta cùng “nổi”.

Và anh Châu Thạch đã cho rằng:

Nhà thơ Phạm Đức Nhì kết tội nhưng người bình thơ “chỉ khen không chê” thật là oan uổng và bất công
Tôi nghĩ nhà thơ, nhà phê bình văn học Phạm Đức Nhì viết không chin chắn, vô tình nhục mạ tôi và nhiều cây bút trên văn đàn hiện nay cũng viết phong cách của tôi. Tôi thay mặt những cây bút ấy phản đối những lời của Phạm Đức Nhì./.

Nếu anh CT và bạn đọc để ý trạng từ “có khi” sẽ thấy việc “được uống cà phê, bia bọt đều đều nữa” chỉ là trường hợp cá biệt. Tôi không có ý xúc phạm đến những nhà bình thơ theo trường phái “chỉ khen – không chê” nên đã tránh những trạng từ như: luôn luôn, lúc nào cũng, nhiều khi, lắm lúc, thường khi, thỉnh thoảng … vì sợ bị hiểu lầm là “vơ đũa cả nắm”. 

“Có khi” có nghĩa là trong vô số những nhà bình thơ kiểu CT chỉ cần một người dính dáng đến “cà phê, bia bọt” thì nhận xét của tôi vẫn đúng. Trường hợp này có thể không rơi vào CT nhưng thực tế đã xảy ra. Anh CT có dám khẳng định là không có nhà bình thơ nào theo trường phái “chỉ khen – không chê” đã từng dùng lối bình thơ ấy để được tác giả của bài thơ đối xử ưu đãi với mình hay không? Tôi chỉ nêu lên một thực tế chứ không kết tội và nhục mạ bất cứ ai.

Anh CT đọc đoạn văn trên, để cảm tính thắng lý tính nên đã hiểu sai, rồi không những hô hoán mà còn thay mặt những người khác hô hoán là bị nhục mạ. Anh mới chính là người đổ oan cho tôi nhưng tôi quyết định bỏ qua vì thấy anh chỉ lúng túng, không có ý xấu.

Tôi chỉ trích cách bình thơ này, trước tiên, vì nó dễ dẫn đến tiêu cực, tạo ảo tưởng thành công, thủ tiêu tinh thần học hỏi, cầu tiến, nhưng bên cạnh đó, quan trọng hơn, còn có lý do có tính văn chương của nó nữa.

Châu Thạch bình thơ giống như một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp chụp hình cho khách hàng. Ông sắp xếp thế đứng, kiểu ngồi sao cho những khuyết điểm trên cơ thể khách hàng được che khuất, chỉ có nét đẹp, nét duyên dáng được xuất hiện trên tấm hình chụp.

Trong một trao đổi trên FB, Châu Thạch cho rằng, đại ý: “Bài thơ như một cô gái đẹp; tôi muốn phô bày những nét đẹp của cô cho mọi người thưởng ngoạn. Nếu lỡ cô gái có một đốm tàn nhang hoặc một nốt ruồi thiếu thẩm mỹ, tôi sẽ lờ đi để người đọc được thưởng ngoạn vẻ đẹp đó một cách trọn vẹn”. (1)

Như vậy bình thơ kiểu anh CT tuy không xạo một cách trắng trợn, xét cho cùng, cũng là một cách hành xử thiên vị, thiếu trung thực.

Phê bình một bài thơ là vận dụng sự hiểu biết và cảm nhận thơ ca của mình giúp tác giả và người đọc nhận ra chỗ hay, chỗ dở, rồi tổng hợp lại để xác định mức độ giá trị nghệ thuật của bài thơ đó. Hoàn thành công việc này một cách thuyết phục, phê bình còn góp sức thực hiện một nhiệm vụ khác nữa là chỉ đường, vạch ra hướng đi cho hoạt đông sáng tác thơ ca.

Phê bình kiểu “chỉ khen – không chê” – theo như tên gọi của nó - không nhằm mục đích, và do đó, không thể giúp tác giả và người đọc nhận ra giá trị nghệ thuật đích thực của bài thơ nên hoàn toàn thất bại trong cả hai nhiệm vụ chính của phê bình. Thật ra nó còn không xứng đáng để được gọi là một phương cách phê bình nữa.

Kết Luận

Với Châu Thạch, tôi vẫn quý mến anh ở tính tình vui vẻ, cởi mở, ngôn ngữ thơ văn hiền hòa. Anh có tấm lòng sâu nặng với văn chương rất đáng nể phục. Tôi cũng trọng tài thơ của anh Đặng Xuân Xuyến, đặc biệt là ngôn ngữ thơ mới lạ, hình thức thơ phóng khoáng, có thể làm bệ phóng cho thơ bay cao, bay xa.

Mỗi một cuộc tranh luận thơ ca ít nhiều thường bật ra một vài vấn đề thực tiễn của lý thuyết thơ mà ngay cả những người đã qua trường lớp hoặc nghiên cứu sách vở một cách sâu rộng cũng thấy ngạc nhiên thích thú. Đối với hai anh, tôi chỉ là kẻ bị tấn công và ra sức tự vệ. Tôi không muốn tranh cãi thêm nữa, nhưng dĩ nhiên, nếu anh CT phản biện, tôi sẵn sàng thù tiếp. Rất mong mọi sự tốt đẹp đến với hai anh trong tương lai.

Phạm Đức Nhì

CHÚ THÍCH:
1/ Thơ Khăn Đóng Áo Dài Và Show Not Tell, PĐN, t-van.net