Thứ Hai, 29 tháng 1, 2018

KHI ẨN DỤ QUÁ KÍN

                                                

Thơ tôi viết có một phần khá lớn sử dụng phép ẩn dụ trong đó có gần hai chục bài được bạn bè xếp vào loại “Những Bài Thơ Về Thơ”. Trong số này có một số bài mà dù người đọc “bắt” được tứ thơ, biết rằng tác giả có gởi kèm một thông điệp kín nhưng vẫn không mở được cái thông điệp kín ấy. Có người đổ thừa tại áp dụng ẩn dụ không đúng cách.

Tôi xin tóm tắt phép ẩn dụ như sau:

Ẩn dụ là nói cái này mà ngụ ý cái kia. Ẩn dụ được coi là đúng cách khi cái này hợp tình hợp lý và cái kia cũng hợp lý hợp tình.

Xin mượn bài thơ Chè Đường để minh họa phép ẩn dụ và bàn cách giải quyết vấn đề khi ẩn dụ quá kín.

CHÈ ĐƯỜNG

Tôi thích chè
chè ngọt
bởi có đường
đường ít
chè không đủ ngọt
không ngon
đường nhiều
ngọt lợ
ăn gắt cổ.

Nấu chè ngon do đó,
cũng cần có tài
ngoài việc phải biết chọn các thứ đậu, dừa, bột, nếp,
các thứ khoai
(thứ nào nấu với thứ nào
liều lượng bao nhiêu thì hợp)
còn phải biết
bỏ đường cho vừa ngọt

Chè có món có thể bỏ đường kha khá
có món ít đường một chút cũng không sao
nhưng đã là chè thì phải có đường
nấu chè
nếu không bỏ đường
(hoặc tìm cách cho chè có vị ngọt)
thì chè sẽ không còn là chè nữa
mà thành món khác.

(Phạm Đức Nhì)

Người đọc có thể đến bến đỗ của tứ thơ khá dễ dàng: Nấu chè phải bỏ đường.

Trước khi viết bài này tôi có nghe loáng thoáng ở miền Trung có một món chè nghe tên rất lạ: Chè heo quay. Tôi tự nghĩ “heo quay là món mặn, không biết nấu chè heo quay họ có cho đường không? Nếu không thì bài thơ của mình ‘trớt quớt’”. Thế là tôi lại lò mò tìm hỏi và được một cô giáo Đà Nẵng cho câu trả lời:

“Nấu chè heo quay cũng có cho đường. Nhân bánh là thịt heo quay, bọc bột lọc ở ngoài. Nấu đường lên cho vào. Anh từng biết chè bột lọc hay bánh trôi nước rồi thì chè này giống y vậy.”

Như thế là tôi yên tâm; bài thơ không có chỗ hở. Nhưng nếu chỉ muốn nói “Nấu chè phải bỏ đường” thì bỏ công viết bài thơ làm gì cho mệt. Nói khác đi, bài thơ Chè Đường có ẩn dụ - nghĩa là tôi muốn gởi đến người đọc một thông điệp khác.
Nhưng trước khi giải mã ẩn dụ của Chè Đường, mời bạn đọc thăm ẩn dụ trong Sông Lấp.

                       SÔNG LẤP
               Sông xưa rày đã nên đồng
              Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai
              Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
              Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.
              (Trần Tế Xương)


Nếu bạn hiểu rằng qua bài thơ, tác giả bày tỏ “nỗi tiếc nhớ con sông Vị Hoàng (nay đã bị lấp) đã cùng với gia đình ông trải qua một quãng đời đầy kỷ niệm” thì bạn đã bắt được tứ thơ. Chức năng truyền thông của bài thơ đã thành công. Bạn – cũng như một số người đọc khác – không đủ nhạy cảm để thả hồn đi tiếp cũng là chuyện thường tình. “Không phải tại anh cũng không phải tại em”. Tác giả và người đọc đều hoàn thành nhiệm vụ. Chả ai có lỗi cả.
 
Tuy nhiên, nếu bạn có khả năng hiểu xa hơn, đưa hồn thơ của bạn đến chỗ ông Tú Vị Xuyên “nhớ thương, tiếc nuối cái thời tạm gọi là vàng son của mình, cái thời Nho học vẫn còn chỗ đứng khá trang trọng trong đời sống người dân Việt” thì bạn đã hiểu trọn vẹn cả tứ lẫn ý của bài thơ. Với tôi, độ nhạy cảm và trình độ thưởng thức thơ của bạn rất đáng nể.

Giải Mã Ẩn Dụ Của “Chè Đường”

Trong Chè Đường người đọc dù “yếu cơ” cách mấy cũng hiểu được tứ thơ: Nấu chè phải cho đường.  Nếu tôi đăng bài thơ với vóc dáng ấy thì vì người đọc đã “bắt” được tứ thơ, chức năng truyền thông của bài thơ đã thành công; đoạn đường sau đó mạnh ai nấy đi, tùy “nội lực” của mỗi người. Có điều tôi biết chắc là – vì ẩn dụ quá kín - rất ít người hiểu được ngụ ý của tác giả.

Muốn người đọc có thể hiểu và chia sẻ cách nhìn nhận vấn đề của mình tác giả phải giúp họ giải mã ẩn dụ của bài thơ (nhưng phải chừa chỗ để họ suy luận, tự tìm ra thông điệp kín chứ không giải thích huỵch toẹt ra). Trong trường hợp này tôi sẽ viết dưới cái tựa Chè Đường mấy chữ  trong ngoặc đơn (vị ngọt của thơ). Đây là gợi ý để những người có hiểu biết về thi pháp sẽ sử dụng óc liên tưởng để đến với thông điệp kín của bài thơ. Số bạn đọc vì lý do nào đó không đến được, xin đọc đoạn giải thích dưới đây.

Giải Thích Thông Điệp Kín Của Bài Thơ

Vần và (hoặc) nhịp điệu - giống như đường trong chè - tạo nên vị ngọt cho thơ ca. Nó là những cái “móc” để giúp nối những chuỗi hình ảnh, sự kiện tạo nên cảm xúc của tác giả và – qua bài thơ – trở thành một thứ “thuốc dẫn” giúp những chuỗi hình ảnh, sự kiện ấy đi vào tâm hồn người đọc một cách dễ dàng hơn. Trong những bài thơ thành công cái “thuốc dẫn” này giúp cảm xúc vận chuyển thành một dòng chảy, chảy trong tâm hồn người đọc.

Nhấm nháp được chút vị ngọt này người đọc sẽ bỏ bớt sự cẩn trọng thái quá (như khi đọc một hợp đồng, một án quyết), tạm thời gác lý trí qua một bên, để có thể tiếp cận bài thơ một cách nhẹ nhàng thoải mái, cho trái tim trần trụi của mình đối diện với hồn thơ của tác giả.

Tuy nhiên, cũng như đường trong chè, ít quá thì không đủ ngọt, nhiều quá thì ngọt lợ, ăn gắt cổ, ngoài ý tứ, ngôn từ, hình ảnh, việc xử dụng vần điệu đúng liều lượng để thơ ca có vị ngọt vừa phải – cũng là một tài năng của tác giả – có thể góp phần làm tăng giá trị của bài thơ. 
 
Kết Luận

Sau khi đọc bài thơ, thấy được vai trò của đường trong chè, rồi lại đọc phần giải thích thông điệp kín của bài thơ, thấy được vai trò của vần trong thơ, độc giả chắc cũng có thể tự rút ra kết luận của mình về sự đúng cách (hay không đúng cách) của phép ẩn dụ.

Tạo được một ẩn dụ đúng cách sẽ làm bài thơ sang hơn, sáng giá hơn rất nhiều. Tuy nhiên, nếu ẩn dụ quá kín (trường hợp Chè Đường) - người đọc “bắt” được tứ thơ mà vẫn không hiểu được ẩn ý của tác giả - tác giả có bổn phận phải gợi ý, để dẫn dắt người đọc đến với thông điệp kín của bài thơ. Nếu không làm điều ấy sẽ uổng phí công sức cùa mình vì bài thơ sẽ được đánh giá là thất bại khi không có sự giao cảm với người đọc.

Phạm Đức Nhì
nhidpham@gmail.com



Thứ Sáu, 26 tháng 1, 2018

XẠO VÌ SỢ, VÌ HÈN, VÌ TEO CHIM



 Đây cũng là kiểu xạo theo đúng nghĩa đen của từ “xạo” – nói sai sự thật, xuyên tạc sự thật. Thi sĩ để “cái tôi teo chim” lấn át cái tôi văn hóa và cái tôi đích thực. Biến chứng của nó là thái độ “nâng bi” chế độ, lãnh tụ, cấp trên, những người có quyền quyết định sự an nguy, thăng tiến hoặc tụt hậu của mình và gia đình.

Giữa cái tôi văn hóa và cái tôi teo chim thì “cái tôi teo chim” mạnh hơn, có uy thế hơn nhiều. Nghĩ đến chết chóc, tù đày, gia đình bị tước đoạt mọi phương tiện, nguồn sống, ngòi bút của thi sĩ đôi lúc phải cong lại hoặc vừa viết lại vừa phải “lách”. Cái xấu phủ đến đen mặt thì lờ đi, cái tốt thì có ít xít ra nhiều, nếu không có thì bịa ra, “bốc thơm” đến tận trời xanh. Thí dụ cụ thể về kiểu xạo này không thiếu nhưng tôi không trích dẫn. Sợ bị trách nặng tay bên này, nhẹ tay bên kia.  

Làm thơ mà xạo là không đẹp. Trước tiên, nó làm mất đẹp thanh danh của mình. Sau nữa còn làm ô uế chữ Thơ (viết hoa) trong sạch, cao quý của nhân loại. Tuy nhiên, xạo vì teo chim dù sao cũng có chỗ để châm chước, thông cảm. Sống trong hoàn cảnh bó buộc như thế đâu phải ai cũng có máu anh hùng.


Thứ Năm, 25 tháng 1, 2018

HÉ MỞ CÁNH CỬA BẾN ĐỖ CỦA TỨ THƠ




Được Mời Đọc Bài Thơ

Tôi kết bạn FB với Hà Ngọc đã khá lâu, biết cháu còn độc thân, làm việc ở Hà Nội, gia đình ở Yên Bái.
Cách đây vài tuần tôi đọc một bài thơ khá hay của cháu và có trao đổi góp ý với cháu qua hộp nhắn tin, đại ý tin nhắn là: Vần liên tiếp là ưu điểm lớn nhưng số chữ trong câu nên thay đổi với biên độ rộng hơn, sẽ dẫn đến sự thay đổi nhịp điệu của bài thơ, độ ngọt sẽ ở mức thoang thoảng, vừa phải, bài thơ đọc lên nghe “đã” hơn.
Hà Ngọc lắng nghe và vui vẻ chấp nhận ý kiến của tôi. 

Nhân tiện nói về sự thay đổi biên độ của số chữ trong câu của bài thơ, cháu mời tôi đọc bài thơ Thơ Không – Không Thơ cháu vừa viết khuya hôm trước.
Xin được trích dẫn trọn vẹn bài thơ tại đây:

THƠ KHÔNG- KHÔNG THƠ.

Hà Nội đổi trời.
Lá lạnh
Gió bay

Yên Bái mưa, cả tuần chưa tạnh
Đường nằm trên cổ đồi,
Xe máy muốn đi phải cài số một
Cổng nhà ai, đón dâu, trấu phải rắc dày

Hà Nội căm căm
Cuồng thổi
Người bay
Phố quanh co, phố đầy mưa bụi
Nhiệt độ giảm sâu.
Quê mình đêm nay rét xói
Lưỡi giá khùa vào gậm sàn, khùa qua vách liếp
Vật chết trâu, dê.
Hà Nội
Khuya
Đèn màu
Ai co ro mái hiên,
Ai lụi cụi vỉa hè

Yên Bái
Tinh mơ
Người thay trâu phì phò kéo bễ
Bắc mạ

Có một vì sao vừa ngã
vì day dứt hôm xưa
Những biệt phủ đèn giăng trong mưa
Như những con mắt mù màu
Chớp
Chớp.
Hà Ngọc 8.1.2018.

Đi Tìm “Cái Gì Đó” Của Bài Thơ

THƠ KHÔNG- KHÔNG THƠ của Hà Ngọc có vóc dáng dễ thương, sáng sủa mạch lạc, số chữ trong câu đổi thay tùy tiện, chứng tỏ tác giả rất ung dung thoải mái bày tỏ ý nghĩ, tâm trạng của mình. Vần liên tiếp, gieo không theo một lề luật nào nhưng vị ngọt của thơ rất “vừa miệng”, câu thơ, đoạn thơ liền mạch, tứ thơ và cảm xúc chảy thành dòng.
Đọc xong đoạn cuối của bài thơ, tôi đoán tác giả sử dụng thủ pháp Show, Not Tell để ám chỉ “cái gì đó” nhưng đã không cung cấp (Show) đủ dữ kiện và người đọc đã không thể men theo đó để tới “cái gì đó” được.

Tôi nhắn tin hỏi thì được cháu trả lời:

“Có một vì sao vừa ngã
vì day dứt hôm xưa

là cháu nói đến một quan chức vừa phạm tội. Đã phạm tội, thì phàm là quan chức hay dân thường đều phải chịu tội trước pháp luật, nhưng nhờ vị quan chức này mà Yên Bái cháu mới có đường cao tốc, cháu mới được đi về với mẹ thường xuyên, người dân đỡ khổ, nên cháu xót.”

Có câu trả lời này tôi quay lại bài thơ và thấy quả thật tác giả đã chuẩn bị thế trận để giới thiệu “đường cao tốc” Hà Nội – Yên Bái, dĩ nhiên có bóng hình của vị quan chức đó ẩn hiện ở phía sau con đường. Bài thơ có 5 đoạn thì ngoại trừ đoạn kết, 4 đoạn đầu cứ liên tục “chạy” Hà Nội – Yên Bái – Hà Nội – Yên Bái. Rất tiếc sự nối kết ấy còn quá mờ nhạt để dẫn người đọc đến chỗ tác giả mong muốn.

Tôi góp ý: (Câu nhát gừng kiểu nhắn tin Facebook):

Không có dữ kiện để người đọc liên tưởng
Cho họ một chút manh mối
Đó là bổn phận của tác giả.

Hà Ngọc trả lời:

Cháu chỉ cần sửa cho rõ ý hơn chỗ “vì sao rơi” thôi chú ạ.

Nhưng sau đó không thấy cháu sửa; bài thơ trên trang FB của cháu vẫn còn nguyên hình hài cũ. Và với cái hình hài ấy thì những người đọc khác dù có giỏi đoán cũng khó mà biết được tác giả đề cập đến ai và về vấn đề gì.

Ở đây tôi không bình thơ mà chỉ bàn đến quan hệ giữa thi sĩ và người đọc. Thi sĩ trước tiên có bổn phận phải hoàn thành chức năng truyền thông của bài thơ, phải dẫn người đọc đến tứ thơ. Trong trường hợp Thơ Không – Không Thơ chức năng truyền thông của bài thơ đã thất bại.
Với thế trận ấy nếu cánh cửa đến với tứ thơ được hé mở thêm tý nữa để người viết và người đọc có sự giao cảm, tôi tin bài thơ của Hà Ngọc sẽ được nhiều người yêu thích, đặc biệt là cư dân Yên Bái.

Đi Thẳng Hay Đi Vòng?

Làm thơ có 2 đường: Đi thẳng và đi vòng. Đi thẳng là nói thẳng vào điều muốn nói, có nghĩa là Tứ với Ý là một. Đi vòng có 2 cách:

1/ Ẩn dụ: Nói cái này mà ngụ ý cái kia - Tứ là cái này, Ý là cái kia.
2/ Show, Not Tell: Không nói thẳng mà cung cấp thông tin để người đọc dựa vào đó, nương theo đó hiểu được ý mình muốn nói.

Dĩ nhiên, đi thẳng dễ hơn đi vòng. Đi thẳng giống như đánh bài cào, ngửa mặt nút lớn, nút nhỏ là biết ăn thua. Đi vòng - giống như chơi xì phé, phải để ý, theo dõi con bài tẩy và phải chờ khi lật con bài tẩy lên thì mới biết kết quả. Đi vòng có cái lợi là làm cho người đọc khoái hơn, đọc hứng thú hơn nên thi sĩ có tay nghề kha khá thường chọn cách này.

Kết Luận

Người thưởng thức thơ sành điệu đều biết ẩn dụ càng kín bài thơ càng hay; với Show, Not Tell dữ kiện cung cấp càng ít lúc hiểu ra niềm sảng khoái càng cao. Nhưng coi chừng “già néo đứt dây”. Ẩn dụ kín quá đến mức người đọc lắc đầu là bài thơ thất bại. Thi sĩ áp dụng Show, Not Tell mà Show “kẹo” quá khiến người đọc giơ tay đầu hàng vì không thể Tell được thì bài thơ cũng vứt đi.

Làm thơ, tâm trạng là của mình, chỉ cần biết đến mình. Nhưng bày tỏ tâm trạng để người đọc hiểu mình, (có thể) đồng cảm với mình thi sĩ phải hé mở cánh cửa đến bến đỗ của tứ thơ. Đó là chức năng truyền thông của thơ. Không có nó bài thơ sẽ chết.

Phạm Đức Nhì



Thứ Tư, 24 tháng 1, 2018

LẠI HƯ CẤU NGHỆ THUẬT


                                               


Sau cơn bão Hayan, thành phố Tacloban (Philippines) bị tàn phá nặng nề, xác người nằm xếp lớp. Đọc tin tới đoạn “hơn 90% dân ở đây là tín đồ Thiên Chúa Giáo”, một thằng bạn “nặng tai”, chúng tôi thường gọi là “Kh. Điếc”, trong lúc ngồi uống cà phê đã phát biểu (rất bố láo):
“Chắc khi dự đoán sắp có thiên tai tao phải cho Chúa của mày mượn cái Hearing Aid quá.”
Phát biểu bố láo của Kh. Điếc đã gợi ý để tôi viết Hai Bài Thơ Một Niềm Tin.
Dưới đây là bài thứ nhất.


CHẮC NGÀI KHÔNG NGHE THẤY

Hãy xin, sẽ được; hãy tìm, sẽ gặp; hãy gõ cửa, sẽ mở cho
                    (Mathew 7:7)
Khi siêu bão Haiyan
đang gầm gừ ở hướng đông
đài khí tượng tiên đoán
bão sắp tràn vào Tacloban (1)
Hơn 90 phần trăm dân ở đây
là con Chúa
sấp mình cầu nguyện
xin Chúa xót thương
Khi bão rít trên đầu
sóng biển dâng cao
tiếng kêu cầu càng lớn
càng khẩn thiết

Bão yên, nước rút
cảnh tượng thật kinh hoàng
thành phố tan hoang
xác người nằm xếp lớp
Cha xứ
mở cửa
ngôi giáo đường đổ nát
Chúa Giê-Su vẫn ngoẹo đầu
dang tay trên thánh giá
sợi dây điện
lủng lẳng dưới tai
Ai đó đã đeo cho ngài
một bộ máy trợ thính
(Hai Bài Thơ - Một Niềm Tin, PĐN, t-van.net)

Dĩ nhiên, đây là đoạn thơ “xạo” 100%. Sau cơn bão có ai vào nhà thờ đeo máy trợ thính cho tượng Chúa bao giờ. Tôi đã mượn hình ảnh không thật ấy để diễn tả nỗi buồn bực, thất vọng, pha chút oán trách của con người (có cả những người tin Chúa) đối với Thiên Chúa. Tôi đã dùng bài thơ sau để - với cái nhìn của mình - giải thích sự im lặng của Ngài. 

Chú Thích:
1/ Thủ phủ của Leyte
“Many of you lost everything. I don’t know what to say to you. Many have asked, why, Lord?” He said: “All I can do is keep silent.”  (Pope Francis said when visited Tacloban on 01/17/2015, 14 months after the Super Typhoon Haiyan.)
“Nhiều người trong số các con đã mất tất cả. Ta không biết phải nói gì với các con. Nhiều người đã hỏi, tại sao, Chúa ơi?” Rồi ngài nói: “Tất cả ta có thể làm là im lặng”(Đức Giáo Hoàng Francis nói khi viếng thăm Tacloban hôm 01/17/2015, 14 tháng sau Siêu Bão Haiyan)



XẠO NGHỆ THUẬT TRONG THƠ

Xạo Nghệ Thuật - Lối Nói Thậm Xưng

Khác với dối trá đời thường (trong thơ), lối nói thậm xưng là một kiểu “xạo” đầy tính nghệ thuật. Tác giả cũng “phịa” ra những điều không thật nhưng với mục đích “để tạo sự đột phá, thay đổi cái trật tự đời thường bằng cái phi lý mà có lý trong nghệ thuật” (2)

Thí dụ:

Trong bài thơ Muốn Gởi Cho Em của thi sĩ Phạm Hữu T (tặng Phượng Kim Ngọc Huỳnh) thì câu:

Muốn gởi cho em
chút gió biển Galveston

là một câu “xạo tới bến” vì gió từ biển Galveston (ở Mỹ) làm sao gởi về Việt Nam được? Nhưng phần sau của đoạn thơ lại là những cái “có lý trong nghệ thuật”.

Gió từ Mỹ gởi về:

để dịu bớt cái nắng Sài Gòn gay gắt.

Có lý quá đi chứ! Và hai câu kế tiếp:

nhưng sợ người ta đang đi mà chợt mát
rồi bồi hồi
nhớ nhớ thương thương.

vừa trữ tình lãng mạn - khi mượn ý của Nguyên Sa trong Áo Lụa Hà Đông -  lại vừa khôi hài ý nhị. Đoạn thơ mở đầu thật tuyệt vời. (3)

(Xin mở ngoặc nói thêm: Bài thơ là của Phạm Hữu T với cái tựa Muốn Gởi Cho Em; thí dụ trên được trích trong bài bình thơ Mối Tình Xuyên Lục Địa của tôi (PĐN)

Đây là kiểu xạo nghệ thuật, “xạo dễ thương”, nâng cao giá trị của bài thơ.

Xạo Nghệ Thuật – Ca Từ Trịnh Công Sơn

Nhiều người khen ca từ của Trịnh Công Sơn nhiều câu hay hơn cả thơ. Tôi chọn câu sau đây trong bài Như Cánh Vạc Bay:

Tóc em từng sợi nhỏ
rớt xuống đời làm sóng lênh đênh

Ôi! Chỉ có mấy sợi tóc nàng rớt xuống – không phải xuống hồ hay sông, biển - mà là xuống đời cũng đủ làm đời “dậy sóng”, làm biết bao phận người chao đảo, ngả nghiêng. Làm sao mà thực được. Nhưng lại rất đẹp, rất “thơ” và rất tuyệt. Nghe rất khoái, rất đã.


Tôi có cảm tưởng, bằng câu ca từ trên (và một số câu khác nữa), TCS không làm thơ nhưng ca từ của ông – không những đẹp hơn, hay hơn – mà hình như đã bước lên một tầng bậc mới, cao hơn hẳn thứ ngôn ngữ thường thấy ở trong thơ.

Thứ Năm, 18 tháng 1, 2018

NẾU BÀI THƠ CÓ NHIỀU "THÔNG ĐIỆP KÍN"

                               


Từ Một Câu Đố

Hồi nhỏ, một đám đông cả người lớn lẫn trẻ con trong đó có tôi, được ông hàng xóm ra câu đố:

Thân em lắm lớp nhiều lông
Đến khi khôn lớn lấy chồng miền xa
Ở nhà với cha thì còn toàn vẹn
Đi lấy chồng thì toạc hoác ra.

Đố là cái gì? Xuất: thực vật

Một hồi lâu không có ai lên tiếng và ông hàng xóm đưa ra câu trả lời: Trái bắp. Sau đó có người đưa ra câu trả lời khác: Búp măng. Ông hàng xóm (người ra câu đố) ngẫm nghĩ một hồi rồi (có lẽ thấy hợp lý) đã chấp nhận đó cũng là câu trả lời đúng.

Mà suy nghĩ thì thấy cả 2 câu trả lời đều hợp lý thật. Bắp và búp măng đều lắm lớp nhiều lông - vỏ bắp và vỏ búp măng đều nhiều lớp, râu bắp và lông măng thì ôi thôi, vô số kể. Đến khi “khôn lớn” sử dụng được thì bị người ta bẻ về (lấy chồng miền xa). Lúc dính vào thân cây thì “còn toàn vẹn”, khi đã về tay người thì họ bóc toạc hoác ra (để nấu ăn).

Bây giờ nhìn lại tôi thấy câu đố trên giống một bài thơ áp dụng thủ pháp Show, Not Tell. Sau khi hiểu nghĩa đen của câu đố, nghĩa là “bắt” được tứ thơ, nếu đi xa hơn để tìm ẩn ý của tác giả thì sẽ dựa vào dữ kiện được cung cấp trong câu đố để suy nghĩ, tự tìm ra câu trả lời. Trong trường hợp này ít nhất đã có 2 câu trả lời hợp lý, được chấp nhận – nghĩa là đoạn đường đi thêm sau khi “bắt” được tứ thơ có 2 điểm đến.

Đó là chuyện câu đố - giống thơ nhưng không phải thơ. Bây giờ mới thực sự bước vào thế giới thơ.

Bài Thơ “À Ra Thế” Vào Cuộc

Hôm nọ có một bạn FB tặng tôi 2 câu hỏi. Tôi mới trả lời câu hỏi thứ nhất ở bài trước. Hôm nay xin bước vào câu hỏi thứ hai:

Trên quãng đường đi tiếp để tìm “thông điệp kín” sau khi đã  “bắt” được tứ thơ nếu liên tưởng của mình không đến cùng chỗ với tác giả thì điểm đến của ai đúng?”

Tôi chọn bài thơ À Ra Thế mà chính tôi là tác giả để minh họa cho câu trả lời của mình vì 3 lý do:

1/ Đây là bài thơ mà đoạn đường đi tiếp sau khi đã “bắt” được tứ thơ có nhiều hơn một “thông điệp kín” - ẩn ý, ngụ ý của bài thơ.

2/ Tôi đã trao đổi với khá nhiều độc giả về bài thơ này, qua đó được chia sẻ một số “thông điệp kín” riêng của mỗi người. 

3/ Nếu sử dụng bài thơ khác thì lúc bàn đến “thông điệp kín”, tôi, với tư cách độc giả, lại phải đoán già, đoán non. Mà dù đoán dựa vào suy luận hợp lý (educated guess) thì cũng vẫn chỉ là đoán. Ở đây, vì là bài thơ của chính mình nên khi “thông điệp kín” được tiết lộ, độc giả biết ngay đó là của tác giả, không sợ trường hợp lao vào lý luận, giải thích đến đầu đến đũa thì tác giả lại bước ra tuyên bố “Xin lỗi! Quý vị đoán sai rồi. Đó không phải là ý của tôi.”


À Ra Thế!

Mấy đứa con tưởng tôi hà tiện
sợ tốn điện
hao tiền
thật ra
không phải vậy.

Thuở ấy
bụng tôi rất săn
chỉ hơi lên gân
sáu cục nổi lên cuồn cuộn

Phía dưới bụng
thằng Cu Tý
hùng dũng hiên ngang
tư thế sẵn sàng chiến đấu

Tắm xong đứng trước gương
càng nhìn càng thấy thương
càng nhìn càng hãnh diện

Bẵng đi mấy chục năm
một hôm đang tắm chợt nhìn lại mình
bụng không còn sáu cục
mà phình ra cao hơn ngực

Phía dưới bụng
thằng Cu Tý
gầy yếu xanh xao
gục đầu rũ
càng nhìn càng thấy buồn
càng nhìn càng tủi hổ

Từ đó
tôi có thói quen
tắm đêm
không mở đèn.

(Phạm Đức Nhì)

Tứ thơ: 

Thằng Cu Tý của tác giả, theo thời gian, bị thoái hóa, không những bất khiển dụng mà còn trông mất thẩm mỹ khiến tác giả phải tắm đêm, không mở đèn để khỏi phải nhìn thấy hình thù thảm não của nó; báo hại mấy đứa con lại tưởng rằng ông bố hà tiện (đến độ bủn xỉn), không mở đèn vì sợ tốn tiền điện.

Ẩn Ý Của Tác Giả

Hãy tính đến gánh nặng tuổi tác – nó đến lặng lẽ và bất ngờ - khi dự định kế hoạch cho cuộc sống.  

Một Số Điểm Đến Của Bạn Đọc

     a/ Một người mẫu thời trang:

Hương sắc, sức khỏe chỉ có một thời; còn làm được phải gắng làm để kiếm tiền dưỡng già.

     b/ Mấy tuyển thủ bóng rổ, bóng đá, bơi lội:

Tài năng, sức khỏe đỉnh cao chỉ có một thời; hãy tận sức khi có thể.

     c/ Một người sợ “phí của giời”:

Lúc còn chơi được hãy chơi tới bến, tận hưởng cuộc sống để sau này khỏi hối tiếc. Đèn sắp cạn dầu, đốt lên cho sáng cuộc đời.

     d/ Một sinh viên đại học (vừa học, vừa làm):

Học, làm việc, phục vụ nhưng cũng phải sống, phải chơi để khỏi phí tuổi thanh xuân.

     e/ Mấy thi sĩ, văn sĩ:

Còn sức khỏe, khả năng, phải gắng “rút ruột nhả tơ” cống hiến cho nhân loại.

     f/ Một người có tâm đạo (Phật):

Vạn vật đều trải qua 4 giai đọan thành, trụ, hoại, diệt, đó là vô thường; hãy chuẩn bị tâm lý thích hợp để đối diện với nó, chấp nhận nó.
    
Tóm lại, bạn đọc đưa ra khá nhiều “thông điệp kín”. Có một số trùng nhau, tôi lọc lại. Có một số không hợp lý, tôi loại ra. Nhưng tôi biết với tứ thơ “rộng mở” như À Ra Thế sẽ còn nhiều điểm đến khác nữa. Theo tôi, riêng bài thơ này, mỗi người, tùy hoàn cảnh, có thể chọn điểm đến cho riêng mình.

Kết Luận

Cho nên với câu hỏi

Trên quãng đường đi tiếp để tìm ‘thông điệp kín’ sau khi đã bắt được tứ thơ, nếu liên tưởng của mình không đến cùng chỗ với tác giả thì điểm đến của ai đúng?”

thì câu trả lời sẽ là:

Liên tưởng nào hợp logic và nằm trong vùng phủ sóng của tứ thơ cũng đúng và cũng sẽ được chấp nhận.

Nói cách khác, nếu sau khi độc giả “bắt” được tứ thơ mà bài thơ có nhiều “thông điệp kín” (hidden messages) thì độc giả, tùy hoàn cảnh hoặc khẩu vị riêng, có thể thả hồn về một điểm đến khác với điểm đến của tác giả mà vẫn được coi là người thưởng thức thơ sành điệu. Miễn sao liên tưởng của ngài hợp logic và nằm trong vùng phủ sóng của tứ thơ.





Thứ Năm, 11 tháng 1, 2018

ẨN DỤ TRONG "SÔNG LẤP"



                                 

Có một bạn đọc trẻ trên FB nhắn tin, đặt cho tôi hai câu hỏi:

1/ “Nếu sau tứ thơ có ẩn ý của tác giả mà mình là người đọc không cảm nhận được thì do lỗi của ai?
2/ "Trên quãng đường đi tiếp để tìm 'thông điệp kín' sau khi đã "bắt" được tứ thơ, nếu liên tưởng của mình không đến cùng chỗ với tác giả thì điểm đến của ai đúng?”

Để trả lời hai câu hỏi rất xác đáng ấy tôi sẽ giới thiệu một số bài thơ có ẩn ý của tác giả (hidden messages) để cùng bạn đọc thảo luận.

Như tôi đã viết trong bài Chức Năng Truyền Thông Của “Cánh Đồng”:

Thơ của những thi sĩ non tay thường là “tứ hết thì ý cũng chẳng còn”. Bước chân vào “điểm đến của tứ thơ” là người đọc có quyền ung dung ngơi nghỉ. Hành trình thưởng thức thơ của ngài đã chấm dứt. Ngược lại, với bài thơ của thi sĩ cao tay, khi người đọc vào “điểm đến của tứ thơ”, nếu muốn, ngài có quyền thả hồn đi tiếp. Và cái hay, cái đẹp thực sự của thơ, cái đem lại cho người đọc rất nhiều khoái cảm thường tụ hội ở đoạn đường đi tiếp ấy.

                       SÔNG LẤP
               Sông xưa rày đã nên đồng
              Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai
              Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
              Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.
              (Trần Tế Xương)

Dựa vào 2 câu cuối của bài thơ tôi có thể suy luận ra mấy điều sau:

     a/ Khúc sông Vị Hoàng chảy qua khu nhà của Tú Xương thuộc làng Vị Xuyên không có cầu bắc qua sông.
     b/ Nhà ông Tú không ở sát, nhưng cũng không xa bến đò ngang lắm; ở đấy có thể nghe được tiếng gọi đò vọng lại.
     c/ Ông rất nặng lòng với khúc sông đầy kỷ niệm, với quãng đời lúc con sông chưa bị lấp, đến nỗi chỉ “vẳng nghe tiếng ếch bên tai” ông cũng giật mình tưởng tiếng gọi đò từ những năm xưa cũ.

Nhưng nếu “vẳng nghe tiếng ếch bên tai” mà người đọc chỉ tưởng “tiếng ai gọi đò” để từ đó nhớ đến bến đò ngang cạnh nhà ông và rồi đến con sông Vị Hoàng ngày xưa (nay đã bị lấp) thì … bất công với Tú Xương quá. Nếu dòng liên tưởng chỉ dừng ở đấy thì bài thơ đã bị giảm đi ít nhất 90% giá trị nghệ thuật. Nếu chỉ có thế người ta đâu có gọi Sông Lấp là “tiếng thở dài thế sự” của Tú Xương.

Dĩ nhiên, ông cũng nhớ đến con sông mà vợ ông đã “quanh năm buôn bán” ở đó để nuôi sống một gia đình đông đúc “năm con với một chồng”. Nhưng con sông chỉ đóng vai chiếc cầu để ông trở về cái thời tạm gọi là vàng son của ông, cái thời còn ngồi chiếu tiên chỉ của làng Vị Xuyên, cái thời mà mọi người gọi ông là Ông Tú với giọng kính trọng một nhà nho có văn tài, cái thời ông còn tràn trề hy vọng khi nghĩ đến kỳ thi sắp tới, và trong lòng ông, niềm tin ở quê hương đất nước vẫn còn rực sáng.

Còn cái lúc ông viết Sông Lấp, ách cai trị của người Pháp đã lan tỏa, đã xâm nhập vào mọi ngõ ngách của cuộc sống người dân Việt, nền Nho học đang lụi tàn, con đường tương lai của ông đang đi vào ngõ cụt. Ông đành quay lại nhìn, nuối tiếc cái thời xa xưa ấy để rồi buông “tiếng thở dài thế sự”.

Cái thú khi đọc một bài thơ có phép ẩn dụ – tác giả   nói về cái này mà ngụ ý cái kia – là lần theo tứ thơ để tìm, để khám phá ý của tác giả. Phép ẩn dụ càng kín thì, khi người đọc, bằng khả năng liên tưởng của mình, hiểu được, cảm thông được tâm tình mà tác giả muốn chia sẻ, sự ngạc nhiên và thích thú càng gia tăng, bài thơ càng được đánh giá cao.

Phép ẩn dụ trong Sông Lấp rất kín, kín đến nỗi ngay cả có người bình bài thơ ấy cũng không thấy được, cảm được ẩn ý của tác giả. (1) Có thể nói Sông Lấp không phải là một đoàn quân trùng trùng, điệp điệp, nhưng lại có bề thế của một mặt trận, một điệp vụ tình báo siêu đẳng, đưa được những điệp viên thượng thặng, bí mật nằm giữa bộ chỉ huy của quân địch.

Phép ẩn dụ ấy được kết hợp một cách tài tình với thủ pháp “show, not tell”, tạo ra một chuỗi những chiếc cầu liên tưởng, dẫn người đọc đi từ hình tượng này đến hình tượng khác. Từ tiếng ếch kêu, trong hoàn cảnh riêng của mình, trong tâm tình riêng của mình, nhà thơ “tưởng tiếng ai gọi đò”. Đây là một liên tưởng rất riêng tư; nếu ông không bộc bạch, bày tỏ thì người đọc khó có thể đoán ra được. Biết thế nên ông đã đưa tay dắt chúng ta bước lên chiếc cầu đầu tiên. Đến 2 chiếc cầu liên tưởng kế tiếp thì người đọc đã có thể tự mình qua được; từ tiếng gọi đò nhớ bến đò ngang, từ bến đò ngang nhớ con sông Vị Hoàng ngày xưa, nay đã bị lấp.

Khi từ con Sông Lấp đặt chân lên chiếc cầu sau cùng, bằng vốn kiến thức về lịch sử, văn học sử, cộng với một chút trực giác thi ca, người đọc sẽ bắt gặp nỗi lòng sâu kín của nhà thơ: nhớ thương, tiếc nuối cái thời tạm gọi là vàng son của mình, cái thời Nho học vẫn còn chỗ đứng khá trang trọng trong đời sống người dân Việt. Và người đọc sẽ tròn xoe mắt “À” lên một tiếng khoái trá.


Lời Bàn:


Nếu bạn hiểu rằng qua bài thơ, tác giả bày tỏ “nỗi tiếc nhớ con sông Vị Hoàng (nay đã bị lấp) đã cùng với gia đình ông trải qua một quãng đời đầy kỷ niệm” thì bạn đã bắt được tứ thơ. Chức năng truyền thông của bài thơ đã thành công. Bạn – cũng như một số người đọc khác – không đủ nhạy cảm để thả hồn đi tiếp cũng là chuyện thường tình. “Không phải tại anh cũng không phải tại em”. Tác giả và người đọc đều hoàn thành nhiệm vụ. Chả ai có lỗi cả.
 
Nếu hồn thơ của bạn đến được chỗ ông Tú Vị Xuyên “nhớ thương, tiếc nuối cái thời tạm gọi là vàng son của mình, cái thời Nho học vẫn còn chỗ đứng khá trang trọng trong đời sống người dân Việt” thì bạn đã hiểu trọn vẹn cả tứ lẫn ý của bài thơ. Với tôi, độ nhạy cảm và trình độ thưởng thức thơ của bạn rất đáng nể.

Còn nếu bạn muốn suy nghĩ khác người, cho rằng “Ông Tú bàng hoàng nhớ đến con sông nhiều kỷ niệm vì đã có mối tình với một cô đầu nào đó ở cạnh bờ sông” thì đó cũng là quyền của bạn. Nhưng khi suy nghĩ của bạn xuất hiện trên văn bản – trong trường hợp này - tôi đoan chắc bạn sẽ lãnh đủ búa rìu dư luận. (2)

CHÚ THÍCH:

1/ Về Bài Thơ Sông Lấp Của Trần Tế Xương, Vũ Bình Lục, 

2/ Trong bài sau tôi sẽ giới thiệu bài thơ mà ẩn ý của tác giả (hidden messages) có nhiều hơn một điểm đến.



Thứ Ba, 9 tháng 1, 2018

BẢN ĐỒ TRONG THƠ

BẢN ĐỒ TRONG THƠ

                     

Như đã nói trong bài Tấm Bản Đồ Vẽ Sai, bài thơ ngoài những nhiệm vụ khác, còn là tấm bản đồ chỉ đường để độc giả đến đúng cánh cửa trái tim của tác giả, hiểu được tâm trạng, cảm xúc của ngài gởi gấm trong tứ thơ (open message). Còn đồng ý, đồng cảm hay không, hoặc thưởng thức được cái cái hay, cái đẹp (và thấy được cả cái dở) của bài thơ ở mức độ nào, lại là chuyện khác.

Có bài thơ tấm bản đồ của nó dễ đọc, độc giả dễ đi đúng đường, đến đúng chỗ (điểm đến của tứ thơ), như thơ của Nguyễn Bính chẳng hạn. Nhưng cũng có những bài thơ có ngôn ngữ, hình tượng, cấu trúc câu và thế trận “cao” hơn nên tấm bản đồ của những bài thơ này khó đọc hơn, và do đó, kén độc giả hơn. Ở đây thi sĩ nhắm vào số độc giả trình độ cao hơn, có “bộ máy tiêu hóa” mạnh hơn; Thơ Vũ Hoàng Chương là một thí dụ. 

Độc giả ở "tầng cao" đọc thơ ở "tầng thấp" thì khỏi nói, rất dễ dàng, có thể cảm nhận trọn vẹn ý tứ của tác giả. Ngược lại, độc giả ở "tầng thấp" đọc những bài thơ ở "tầng cao" quả có hơi khó khăn, mức độ cảm nhận không được nhiều..

Như vậy, có thể nói trình độ đọc và hiểu thơ (chưa nói đến thưởng thức) của độc giả rất khác nhau. Chia ra làm 2 loại cao và thấp - rất gượng ép- cũng chỉ là để lấy cớ bàn đến việc “vẽ bản đồ” sau này. Và cũng nên để ý một điều. Bài thơ có ngôn ngữ, hình tượng, cấu trúc câu và thế trận ở “tầng cao” không hẳn lúc nào cũng hay hơn, cũng có giá trị nghệ thuật cao hơn bài thơ ở “tầng thấp”. Rất nhiều khi ngược lại. Nhưng rõ ràng là có khác biệt - có cao, có thấp.

Vì có 2 loại độc giả ở 2 hạng cao thấp khác nhau nên hay có trường hợp đổ thừa. Một số thi sĩ muốn tạo mới lạ, đã viết loạn xạ, chẳng để ý gì đến chức năng truyền thông của thơ. Đến khi bị độc giả phàn nàn là thơ tối nghĩa, khó hiểu, thậm chí không thể hiểu được thì đổ thừa tại độc giả ở “tầng thấp”, còn thơ của ngài thì ở mãi “tầng cao”. Cũng có một số nhà thơ thuộc trường phái “Đem Con Bỏ Chợ”. “Thơ của họ, cứ vài câu lại dẫn người đọc đến “bùng binh”, có đến 6, 7 ngã rẽ mà không có lời chỉ dẫn đi về hướng nào nên người đọc cứ phải … đi đại và rồi bám theo tứ thơ chừng nửa bài là “bơ  vơ  giữa chợ“, “lạc nẻo đường tình”. (1)

CHÚ THÍCH

1/ "Người Từ Tinh Cầu Khác" Trong "Cánh Đồng"

Thứ Năm, 4 tháng 1, 2018

TẤM BẢN ĐỒ VẼ SAI



Chọn lô đất tốt xây được ngôi nhà mới
ông mở tiệc mừng tân gia
“Đến chơi! Hay lắm!”
thư ông viết
mời bằng hữu gần xa

Ngay giữa trang thư một bản đồ
dọc ngang tự tay ông vẽ
và lời chỉ dẫn cặn kẽ
đường đi nước bước đến cuộc vui

Giờ hẹn đến rồi
chưa thấy bóng khách mời nào xuất hiện
đồ ăn nguội lạnh
bàn tiệc vẫn vắng tanh

Vài ngày sau
ông nhận được mấy thư trả lời
trong thư chỉ vỏn vẹn:
“Xin lỗi!
Không tìm thấy nhà.”

PHẠM ĐỨC NHÌ

Lời Bình Ngắn:

Ngoài chức năng thẩm mỹ - truyền cho người đọc cái hay, cái đẹp của văn chương nói chung và nghệ thuật thi ca nói riêng – bài thơ còn có một chức năng khác không kém phần quan trọng: Chức năng truyền thông.

Bài thơ nào cũng chứa một thông điệp mở (open message) mà tác giả muốn chuyển đến người đọc. Để hoàn thành chức năng truyền thông bài thơ phải vừa là thông điệp vừa đồng thời là tấm bản đồ chỉ đường để người đọc theo đó tới đúng bến bãi, hiểu được thông điệp, “bắt” được tứ thơ. Tứ thơ chính là cái thông điệp mở ấy. Nói nôm na là nghĩa đen của bài thơ

Nếu người đọc không “bắt” được tứ thơ nhiều phần là do chức năng truyền thông của bài thơ thất bại – nghĩa là do lỗi của tác giả.

Có nhiều bài thơ - nếu tác giả sử dụng ẩn dụ hoặc Show, Not Tell - còn có thông điệp kín (hidden message), nghĩa bóng của bài thơ. “Bắt” được thông điệp kín hay hiểu được nghĩa bóng của bài thơ là do trình độ hoặc mức nhạy cảm của người đọc. Nếu người đọc không "bắt" được thông điệp kín xin đừng đổ thừa tại tác giả. 

Bài thơ Tấm Bản Đồ Vẽ Sai cũng chứa một thông điệp kín liên quan đến chức năng truyền thông của bài thơ. Rất hy vọng các bạn đọc trẻ - dù ít kinh nghiệm - cũng có thể “bắt” được cái thông điệp kín ấy.

PHẠM ĐỨC NHÌ
nhidpham@gmail.com